Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm tồn tại, Barcelona đang đứng trước nguy cơ rời Tây Ban Nha để đến chơi ở một giải đấu thuộc quốc gia khác. Nếu xứ Catalunya giành được độc lập, qua đó tách khỏi Tây Ban Nha, Barca (cùng với Espanyol và Girona) sẽ cân nhắc khả năng "li khai" khỏi La Liga - theo khẳng định từ chủ tịch Josep Maria Bartomeu.
Nếu Barca rời La Liga, đội bóng xứ Catalunya sẽ tìm kiếm những giải đấu hàng đầu châu Âu khác để duy trì hoạt động. Ngoại hạng Anh hay Ligue 1 là những lựa chọn khả dĩ nhất.
Trên lý thuyết, ban tổ chức Ngoại hạng Anh sẽ rất háo hức trước viễn cảnh được chào đón một trong những đội bóng vĩ đại nhất thế giới như Barca. Sự góp mặt của Lionel Messi cùng các đồng đội sẽ giúp bản quyền hình ảnh của giải đấu cao nhất xứ sương mù tiếp tục tăng với tốc độ phi mã. Kéo theo đó là những hợp đồng tài trợ béo bở và sự góp mặt của thêm những ngôi sao hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, triển vọng để Barca góp mặt ở Ngoại hạng Anh trong vài năm nữa là không cao. Thậm chí là gần như không có, bởi những lí do dưới đây.
Thứ nhất, để nhường chỗ cho sự tham gia của Barca, một đội bóng ở Ngoại hạng Anh sẽ phải hy sinh cơ hội. Với gói bản quyền trị giá 5 tỷ bảng được chia gần như đều cho cả 20 đội (đội bóng xuống hạng năm ngoái như Sunderland cũng nhận được khoản tiền lớn hơn hầu hết các đội ở La Liga), rất khó có đội bóng nào chịu xuống hạng để nhường chỗ cho Barca.
Bên cạnh lợi ích rất lớn về kinh tế mà suất dự Ngoại hạng Anh mang lại, các đội bóng còn thi đấu với niềm tự hào và truyền thống lịch sử. Một CLB nhỏ bé có thể đá "sống chết" để được lên chơi và trụ lại Ngoại hạng Anh. Do vậy, khả năng các đội nhường suất chơi ở giải đấu danh giá về mặt tên tuổi, tiền bạc như Ngoại hạng Anh là rất thấp.
Thứ hai, Nếu muốn Barca góp mặt mà không đội bóng nào phải nhường chỗ, ban tổ chức Ngoại hạng Anh buộc phải tính đến khả năng thay đổi kết cấu giải đấu. Hoặc có nhiều đội xuống hạng (hoặc ít đội lên hạng) hơn, hoặc tăng tổng số đội tham dự Ngoại hạng Anh lên con số lớn hơn 20.
Ở phương án giảm số đội lên hạng hoặc tăng số đội xuống hạng, các đội bóng Anh cũng có rất ít khả năng đồng tình bởi đây là giải pháp có thể ảnh hưởng đến cơ hội chơi ở Ngoại hạng Anh của rất nhiều đội bóng trung bình và nhỏ. Trong khi đó, phương án thay đổi tổng số đội dự giải VĐQG là không khả thi. Không có giải đấu hàng đầu châu Âu nào hiện tại có số đội vượt qua 20.
Do vậy, để chơi ở Ngoại hạng Anh, Barca sẽ phải bắt đầu ở các giải đấu cấp thấp, qua đó lên hạng qua từng năm trước khi đặt chân đến giải đấu cao nhất. Dù Ngoại hạng Anh muốn có sự góp mặt của Barca đến đâu, BTC cũng không thể "phá lệ" để ưu ái cho đội bóng xứ Catalunya.
Bởi cơ hội góp mặt ở Ngoại hạng Anh đơn giản là niềm tự hào, đồng thời là "nguồn sống" của bất kỳ CLB nào, dù lớn như Manchester United, Chelsea hay nhỏ bé như Crystal Palace, Brighton & Hove Albion.
Câu chuyện tương tự cũng đến ở Ligue 1. Rất ít khả năng có đội bóng nhường suất, hay BTC hạn chế cơ hội dự Ligue 1 của đội bóng nào khác để "dọn chỗ" cho Barca. Muốn có sự góp mặt của "gã khổng lồ" Tây Ban Nha, các giải đấu hàng đầu châu Âu (trừ La Liga) ít nhiều phải thay đổi kết cấu hiện tại.
Tóm lại, ở lại La Liga vẫn là lựa chọn khả dĩ nhất cho thầy trò HLV Ernesto Valverde. Barca, Espanyol hay Girona sẽ đàm phán để có những điều kiện ngoại lệ. Dù thế nào, La Liga cũng không muốn mất Barca. Bản quyền hình ảnh của giải đấu cao nhất Tây Ban Nha đã "mất giá" so với Ngoại hạng Anh, sẽ đi về đâu nếu một trong hai đội bóng vĩ đại nhất rời giải?
Một thỏa thuận xem như tốt cho cả Barca và La Liga. Còn ngày đội bóng xứ Catalunya chơi tại Ngoại hạng Anh, xem ra vẫn là viễn cảnh rất... hoang đường.
Bình luận