• Zalo

‘Cát lợn’ là gì và có phải là thuốc chữa bệnh?

Sức khỏeThứ Hai, 28/11/2016 08:03:00 +07:00Google News

Cát lợn là thứ được thổi giá hàng tỷ đồng có công dụng chữa bệnh “thần kỳ”, nhưng thực tế có chữa được bệnh hay không đến nay vẫn mơ hồ.

Thời gian gần đây, trong nước xuất hiện nhiều vụ mổ lợn phát hiện vật thể lạ được cho là "cát lợn". Loại vật này được cho là có giá trị cả tỷ đồng.

Gần đây nhất, ngày 20/4, gia đình bà Trần Thị Mai (Trung Châu, Đan Phượng, Hà Nội) khi mổ lợn đã phát hiện một vật rất cứng, nặng khoảng 0,55kg và có lông mọc xung quanh.

Con bà Mai khi tìm thông tin trên mạng đã phát hiện vật thể này gọi là "cát lợn" có giá trị hàng tỷ đồng. Ngoài ra, bà này cho biết, vật thể này có mùi thơm dịu, như mùi thuốc bắc.

cat-lon-ba-vi-ha-noi-1-0739

 "Cát lợn" của gia đình bà Mai ở Đan Phượng, Hà Nội. 

Trước đó, đầu tháng 1/2016, gia đình anh Phan Lạc Hùng (Ba Trại, Bà Vì, Hà Nội) cũng phát hiện một vật thể tương tự.

Vợ chồng anh Hùng cho hay, khi phát hiện "cát lợn" một thời gian dài thì nó vẫn không hề bị thối rữa mà vẫn có mùi thơm.

Tương tự, tháng 10/2015, truyền thông Trung Quốc đưa tin, Huang Wuzhi (Phúc Kiến) sau khi mổ thịt con lợn nái 5 tuổi đã phát hiện một quả trứng màu vàng nhạt, xung quanh toàn lông.

Quả trứng này được người dân địa phương gọi là "zhusha" - có nghĩa là "cát lợn". Đây được cho là một loại sỏi mật quý ở lợn có giá bán lên tới 35 triệu đồng/gram. Như vậy, với quả trứng nặng 620gram, Huang Wuzhi có thể có 21 tỷ đồng.

Nhiều người cho rằng, “cát lợn” quý hiếm như thế dùng để làm thuốc chữa bệnh và những công dụng của nó có thể “cải tử hoàn sinh”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Đông y không sử dụng bất cứ vị thuốc nào từ dạ dày của lợn. Do đó, thông tin cát lợn là thuốc quý có giá trị hàng tỷ đồng chỉ là tin đồn nhảm.

Các chuyên gia Đông y cũng cho biết, chỉ sử dụng sỏi mật của trâu và bò để làm thuốc trị đột quỵ ở người, có tên là ngưu hoàng - một vị thuốc quý, đắt tiền. Riêng lợn, người ta không sử dụng sỏi này để làm thuốc.

Vật thể lạ tìm thấy gần dạ dày lợn ở Hà Nội có thể là do thức ăn không tiêu tích tụ lại.

Trước đó, trả lời báo chí, PGS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết chưa có công trình nghiên cứu về vật thể này. Song, ông khuyến cáo người dân không nên thổi phồng sự việc, tin vào những thông tin không chính xác để mất tiền và sử dụng không đúng mục đích.

Theo từ điển mở Wikipedia, cát lợn, còn gọi là trư cát, trư sa cát lợn hay trứng vàng, là một loại sỏi mật lành tính được tích tụ theo thời gian trong cơ thể lợn, được dân gian đánh giá là có giá trị đối với y học.

Cát lợn được tích tụ theo thời gian, nên thường gặp ở lợn nái sinh sản lâu năm, có khối lượng đến vài trăm gram, có vị ngọt, tính mát, để khô có mùi thảo mộc (thuốc bắc).

Có nhiều thông tin cho rằng, cát lợn có giá trị trong chữa bệnh nên có giá thành cao, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể nào về những giá trị y học cũng như kinh tế mang lại của cát lợn.

Ngoài lợn, ở một số loài vật khác cũng có hiện tượng kết tinh thành sỏi trong cơ thể và được cho là có giá trị y học như: sỏi mật trâu (ngưu hoàng), sỏi mật ngựa (mã bảo), sỏi mật khỉ (hầu táo), sỏi mật chó (cẩu bảo).

P.V
Bình luận
vtcnews.vn