• Zalo

Cắt giảm hàng loạt thủ tục ở Bộ Công Thương: Lo giảm 1 phát sinh 3

Kinh tếThứ Ba, 26/09/2017 07:34:00 +07:00Google News

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, việc cải cách thủ tục hành chính không đơn thuần chỉ là việc cắt giảm các thủ tục mà phải kiểm soát, không làm phát sinh mới những thủ tục mới bất hợp lý.

Phân cấp mạnh hơn, không nên ôm việc

Chia sẻ với phóng viên bên lề Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành Công Thương, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/9, một số đại biểu tham dự hội nghị tỏ vẻ thất vọng.

Theo các đại biểu, một hội nghị quan trọng liên quan lấy ý kiến về các thủ tục hành chính của Bộ Công Thương như vậy mà tổ chức trong phòng họp nhỏ với chưa đầy 100 người tham gia, số doanh nghiệp (DN) được mời lèo tèo trong vài lĩnh vực, thậm chí đếm ra còn ít hơn số nhà báo tham dự.

“Đáng nhẽ với các hội nghị này sẽ phải mời thật đông đảo các đại diện doanh nghiệp thuộc nhiều đơn vị, ngành hàng đến dự. Đằng này đếm ra chỉ có chưa đến 30 đại diện doanh nghiệp, hiệp hội thế này thì chưa xứng tầm.

Lãnh đạo Bộ cũng không có ai tham dự. Đến đây tôi mới biết lãnh đạo Bộ phải dự một hội nghị quan trọng khác”, một đại biểu nói.

bo-cong-thuong_SAEY

Cắt giảm hàng loạt thủ tục ở Bộ Công Thương: Lo giảm 1 phát sinh 3

Ông Đoàn Trọng Thà, Trưởng Ban Chống gian lận, Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, với mặt hàng gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng, trước đây có Nghị định 107 và năm 2016 được sửa đổi thay thế bằng Nghị định 19.

Sau khi Nghị định 19 ra đời, nhiều DN trong lĩnh vực gas đã phản ánh về việc nghị định đã tăng thêm nhiều điều kiện kinh doanh cho DN.

Theo đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam, với kinh doanh gas, Bộ Công Thương cần xem những điều kiện liên quan đến cháy nổ, an toàn cho người tiêu dùng thì mới nên đưa vào còn các điều kiện khác như quy định về số lượng chai, bình không nên đưa vào vì khi đưa vào cũng làm tăng chi phí rất nhiều cho DN.

“Cần giảm bớt các thủ tục trong kinh doanh mặt hàng khí và gas nói chung. Những điều kiện cần loại bỏ, theo chúng tôi, là những quy định không liên quan đến mặt hàng cháy nổ, an toàn. Kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 19.

Nếu không làm nhanh, DN sẽ phải vẫn phải kê khai theo nghị định cũ gây thiệt hại cho DN. Đề nghị Chính phủ và Bộ sớm khẩn trương ban hành”, ông Thà nói.

Chuyển những tâm tư của nhiều DN, bà Hoàng Chính, Chánh văn phòng Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cho rằng, với nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp gửi về cho diễn đàn cho thấy, vẫn còn nhiều kiến nghị về thủ tục hành chính của DN chưa được giải quyết.

Theo bà Chính, cùng với việc cắt giảm thủ tục, Bộ Công Thương nên thay đổi theo hướng phân cấp mạnh hơn cho các sở thay vì ôm quá nhiều giấy phép như hiện nay.

Cùng đó, việc đẩy mạnh hơn nữa việc xóa bỏ các quy định liên quan đến quy mô của doanh nghiệp cũng như những quy định về hợp chuẩn hợp quy trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Các quy định mà Bộ Công Thương đang áp dụng đã có quy định trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng hay trong lĩnh vực y tế.

Vì vậy, theo bà Chính, Bộ Công Thương nên hướng tới quản lý bằng cách để các DN tự công bố về chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm thay vì chờ cơ quan nhà nước cấp phép.

“Trong thực tế, hiện xuất khẩu gạo vẫn do Hiệp hội Lương điều phối thông qua việc ký nháy. Việc này dẫn tới những méo mó về thị trường, chưa kể các việc liên quan đến thu gom, lũng đoạn thị trường”, bà Chính kiến nghị và cho biết, quá trình triển khai cải cách các thủ tục trong lĩnh vực logistic của Bộ Công Thương đang bị DN tố chưa được đẩy mạnh, còn mang tính hình thức.

Quanh việc cắt giảm hàng loạt thủ tục ở Bộ Công Thương: Lo giảm 1 phát sinh 3 - ảnh 1

 Ảnh minh họa.

Không để phát sinh các quy định mới

Mong muốn cơ quan quản lý bổ sung các quy định nhằm giải quyết các vướng mắc để việc nhập khẩu hàng hóa, thiết bị được thuận tiện hơn là ý kiến của ông Phùng Văn Chinh, cán bộ Tổng công ty phát điện 1 (GENCO1) khi đề cập đến những vấn đề cụ thể mà DN đang gặp phải.

Theo đại diện GENCO1, với các DN ngành điện hiện nay, vấn đề gây vướng mắc chính là phải nhập khẩu than để cho nhà máy nhiệt điện hoạt động. Tuy nhiên, theo quy định, DN phải có giấy phép hoạt động nhập khẩu than cũng như giấy phép về giám định than cũng như vận tải than. Đây là những quy định về cơ bản làm chậm lại khá nhiều việc nhập khẩu than của DN.

Trước những phản ánh của các DN, về kiến nghị chuyển hoạt động giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, lãnh đạo Vụ Pháp chế cho rằng nếu chuyển hết sang hậu kiểm thì sẽ không thể làm xuể. Giải pháp đưa ra là bộ sẽ phân cấp mạnh mẽ, để nâng cao trách nhiệm của địa phương trong theo dõi chủ thể hoạt động trên địa bàn.

Chia sẻ những vấn đề từng gặp phải trong quá trình làm thủ tục xúc tiến thương mại và liên quan đến thương mại điện tử, đại diện Tổng Công ty viễn thông Viettel, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, việc cải cách thủ tục hành chính không chỉ đơn thuần là cắt giảm thủ tục mà quan trọng là kiểm soát không để làm phát sinh những thủ tục phát sinh mới.

Video: Bộ Công Thương sẽ xử lý kỷ luật Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thế nào?

“Đừng để cắt giảm một thủ tục mà lại phát sinh 3 thủ tục mới”, ông Thành nói và đề xuất các đầu mối tại đơn vị một cửa nên thống nhất vì mang tiếng một cửa nhưng dịch vụ nào cũng phải qua một cửa thì đây không còn là một cửa nữa.

Cũng phản ánh những bất cập liên quan đến những quy định trong lĩnh vực thương mại điện tử, theo đại diện Viettel Telecom, đây là những vấn đề khiến DN phải làm thêm nhiều thủ tục không cần thiết như photo mã thuế, tên người đại diện, giấy phép kinh doanh… trong khi cơ quan quản lý hoàn toàn có thể tra cứu trên mạng.

Thừa nhận những ý kiến của ông Thành là đúng, đại diện Vụ Pháp chế Bộ Công Thương cũng cho rằng cần phải kiểm soát không để phát sinh các điều kiện, thủ tục hành chính mới. Đây cũng là mục tiêu của Chính phủ.

“Có những thủ tục hành chính chỉ mang tính chất thông báo, báo cáo. Chúng ta phải xử lý được dứt điểm khâu thủ tục quyết định vấn đề được làm hay không được làm, gắn với các điều kiện minh bạch. Cái gì được làm thì cần đáp ứng điều kiện đến đâu, minh bạch các điều kiện ấy ra với thủ tục đơn giản. Cái gì không được làm cũng phải nêu rõ”, ông Tân nói.

(Nguồn: Tiền Phong)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn