Thông tin được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo tập huấn chia sẻ kinh nghiệm truyền thông nâng cao xây dựng, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Hội thảo do Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Cục Quản lý Y Dược cổ truyền và UBND huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) tổ chức từ 29/11 đến 1/12.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Nội dung số 2 “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý”, Tiểu dự án 2, Dự án 3 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương, lãnh đạo Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cùng một số phóng viên cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu nghe các chuyên gia chia sẻ nội dung về vai trò của báo chí với ngành y tế; vai trò, giá trị của việc xây dựng, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý đến sự phát triển kinh tế - xã hội; vai trò, lợi ích của việc kết hợp khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền với y học hiện đại trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Các đại biểu cũng được nghe các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc xây dựng, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam - tiềm năng khai thác và phát triển.
Theo báo cáo, khu vực Tây Nguyên hiện có 1.657 loại cây thuốc được ghi nhận, riêng Đắk Nông có hơn 725 loài. Đắk Nông được xem là vùng đất tiềm năng để phát triển trồng một số cây dược liệu trên quy mô lớn. Việc phát triển dược liệu, y học cổ truyền đã được tỉnh Đắk Nông nhìn nhận, quan tâm từ nhiều năm nay.
Huyện Đắk Glong có độ che phủ rừng chiếm hơn 40% tổng diện tích đất, địa hình đa dạng và phong phú, xen kẽ là các thung lũng, độ cao trung bình trên 800m thuận lợi để phát triển kinh tế sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển dược liệu quý dưới tán rừng. Việc trồng một số loài cây dược liệu ở huyện Đắk Glong đã bước đầu thành công.
Giai đoạn 2018 - 2022, huyện Đắk Glong xây dựng 7 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Ðến nay, huyện đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP nhưng đều từ các cây nông nghiệp như Bơ, Su su.
Nhiều loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế, giá trị y tế cao, các loài có nguy cơ tuyệt chủng cũng đã ghi nhận phân bố ở dưới tán rừng tự nhiên thuộc khu vực các xã của huyện Đắk Glong như: Bảy lá một hoa, Hoàng tinh hoa đỏ, Lan Kim tuyến, Thạch hộc, Sâm cau, Hà thủ ô đỏ.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương trên địa bàn huyện, nông dân bước đầu phát triển thử nghiệm ở quy mô nhỏ dưới 1.000 m2 đối với một số cây dược liệu như: Tam thất nam, Bạch chỉ, Thiên môn đông; Kim ngân; Kim tiền thảo.
Bình luận