Du lịch Sa Pa thức giấc
Năm 2010, tức là sau gần nửa thế kỷ nhà văn Nguyễn Thành Long sáng tác Lặng lẽ Sa Pa (1970), thị trấn trong sương vẫn chưa thôi lặng lẽ. Ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa hồi tưởng, khi đó, dù thị trấn đã có khách sạn, homestay, nhà hàng… nhưng lượng du khách vẫn chưa tới 500.000 lượt /năm - con số quá khiêm tốn với tiềm năng của Sa Pa.
Với mong muốn huy động các nguồn lực để phát triển tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh Lào Cai khi ấy đã trân trọng mời các doanh nghiệp lớn, trong đó có tập đoàn Sun Group về đầu tư tại Sa Pa. Tháng 2/2016, sau 7 tháng khảo sát và 800 ngày thi công, công trình cáp treo Fansipan do Sun Group đầu tư xây dựng đã chính thức khánh thành. Đến cuối năm 2016, du lịch Sa Pa lần đầu tiên cán mốc 1,2 triệu lượt khách. Giai đoạn 2016-2019, lượng khách tới tỉnh Lào Cai tăng 144%. Cuối năm 2019, doanh thu từ du lịch của tỉnh là 19.200 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2016. Du lịch Sa Pa tựa như được đánh thức sau một giấc ngủ dài.
Theo ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, sự hình thành của tuyến cáp treo Fansipan nói riêng và tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng của Sun Group nói chung đã đóng góp lớn cho du lịch Sa Pa: “Từ sau năm 2016, du lịch Sa Pa tăng trưởng bình quân 20-30% mỗi năm. Cứ 10 người, khoảng 7 người đi cáp treo Fansipan”, ông Quốc nói.
Bà Trần Thị Thanh, trưởng bộ phận kinh doanh Sa Pa Green, một doanh nghiệp địa phương cũng nhận định, cao tốc Nội Bài - Lào Cai cùng tuyến cáp treo đi vào vận hành có thể coi là một bước đột phá của ngành du lịch Sa Pa. “Khu du lịch cùng cáp treo đã tạo tiếng vang lớn khi liên tục ghi danh vào các giải thưởng, kỷ lục thế giới, thu hút du khách và mang đến nguồn lợi trực tiếp cho các doanh nghiệp tại địa phương như Sa Pa Green chúng tôi. Năm 2008, chúng tôi chỉ có 20 phòng homestay và một phòng massage, đến nay đã mở động 60 phòng nghỉ, 40 phòng massage, một nhà hàng công suất 200 khách” – bà Thanh chia sẻ.
Sinh kế cho người dân bản địa
Sinh ra và lớn lên trong bản nghèo thuộc phường Sa Pả, thị trấn Sa Pa, Má A Tông cũng như bao người dân bản sống nhờ nghề bám nương làm rẫy, nhưng thu nhập chưa bao giờ đủ để anh chăm lo cho vợ và 2 con nhỏ độ tuổi ăn học.
Năm 2014, khi nghe tin công ty cáp treo cần tìm người làm an ninh với mức thu nhập cao, A Tông nộp đơn và trúng tuyển. Trong 2 năm bám trụ trên đỉnh Fansipan, A Tông được chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của vùng đất, khi điện lưới được kéo lên, cáp treo được hình thành. Cũng giống như sự thay đổi của cuộc đời anh, từ người chỉ biết lo từng bữa ăn, nay có việc làm ổn định để chăm lo cho gia đình, lại còn được công ty hỗ trợ xe máy để đi làm, xây cho nhà mới.
Cũng giống như A Tông, Chảo Láo Ú, sinh năm 1996, lớn lên cùng cái nghèo khó ở bản Kim, xã Thanh Bình, Sa Pa. Năm 2015, Ú xin được làm tạp vụ trong bếp của nhà hàng thuộc KDL Sun World Fansipan Legend khi đó đang hoàn thiện. Tháng lương đầu tiên được hơn 2,9 triệu đồng, Ú vỡ òa trong hạnh phúc. Đến nay, Ú đã không còn bị ám ảnh bởi việc “làm sao để thoát nghèo”.
A Tông và Cháo Láo Ú chỉ là 2 trong số gần 200 cán bộ, nhân viên người Tây Bắc đang làm việc tại Sun World Fansipan Legend. Trước đây, phần lớn họ sống dựa vào nông nghiệp, nghề rừng, nghề thủ công hoặc không có công việc ổn định. Từ ngày “đầu quân” cho công ty cáp treo, điều họ nhận được không chỉ là sự thay đổi về kinh tế, mà còn cả tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhận thức về tầm quan trọng của học tập, đào tạo để đầu tư cho thế hệ con em.
Theo ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị trấn Sa Pa, sự ra đời và phát triển của các công ty dịch vụ du lịch như Sun World Fansipan Legend không chỉ tạo việc làm trực tiếp, mà còn góp phần phát triển mạnh các dịch vụ phụ trợ như vận chuyển, hàng hóa, lưu trú và vành đai thực phẩm vùng nông thôn. Đặc biệt, lực lượng lao động được đào tạo chuyên nghiệp, làm việc trong môi trường cao cấp đã góp phần nâng cao trình độ, nhận thức của chính người dân tham gia hoạt động du lịch, qua đó góp phần tích cực việc thay đổi bộ mặt của ngành du lịch địa phương.
Phát triển du lịch văn hoá bền vững
Ở độ cao 2.900 m trên đường lên đỉnh Fansipan, trong mây trắng ngợp ngời, giữa trùng điệp núi non, một tiếng khèn vang lên réo rắt, kéo theo âm điệu dồn dập của trống Dao, của đàn môi, của tre, nứa… Du khách lập tức bị cuốn vào màn nhảy sạp sôi động, những vũ điệu độc đáo của show nghệ thuật mang tên "Vũ điệu trên mây".
Ra mắt lần đầu năm 2019 tại Sun World Fansipan Legend, "Vũ điệu trên mây” do đạo diễn Phạm Hoàng Nam dàn dựng đã được đón nhận nồng nhiệt. Sức hút của show diễn không chỉ nằm ở sự đầu tư công phu và bài bản từ âm nhạc, vũ đạo đến dàn dựng, trang phục… mà cả ở sự kỳ công, tỉ mỉ của ekip trong việc khai thác những chất liệu văn hoá Tây Bắc độc đáo.
“Vũ điệu trên mây” không chỉ mang lại cho Sa Pa kỷ lục “Show diễn nghệ thuật thể hiện đặc trưng văn hóa Tây Bắc độc đáo nhất Việt Nam”, mà Sun World Fansipan Legend cũng được xướng tên trong giải thưởng du lịch uy tín bậc nhất của thế giới World Travel Awards với giải “Điểm du lịch văn hoá hàng đầu thế giới”. Sự kỳ công và thành công của show diễn cũng là một minh chứng sống động cho thấy tâm huyết và triết lý làm du lịch của Sun Group: phát triển du lịch bền vững dựa trên những giá trị cốt lõi và tinh hoa của văn hóa truyền thống sẽ giúp nâng tầm và thăng hạng du lịch cho những vùng đất giàu tiềm năng.
Xây dựng đi đôi với bảo tồn, không ngừng phát triển nhưng cũng vẫn luôn luôn tìm về nguồn cội, những định hướng đúng đắn của chính quyền cùng sự chung tay vào cuộc của những doanh nghiệp làm du lịch như Sun Group sẽ góp phần định hình lại du lịch Sa Pa, để rồi từ đó đưa vùng đất này ngày càng khởi sắc một ngày không xa.
Bình luận