1. Từ khoảng 1h chiều nay, trang Facebook của đại sứ Lê Bá Vinh nhộn nhịp hơn thường lệ. Vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở Triều Tiên chỉ đăng lên một bức ảnh cùng mấy dòng thuật, nhưng hàng chục nghìn khán giả vẫn theo dõi, liên tục tải trang. Cứ vài chục phút, đại sứ Vinh lại đăng tải một ít thông tin, khiến "dân tình" đổ xô bình luận.
Lý do là bởi, đại sứ Lê Bá Vinh là khán giả Việt Nam hiếm hoi có mặt tại sân Kim Nhật Thành chứng kiến trận đấu giữa Hà Nội FC và SC 4.25. Ông ngồi xem, thuật lại diễn biến bằng câu từ cho người hâm mộ ở nhà.
Từ cách xem, cách tường thuật đến cách thưởng thức trận đấu khiến nhiều người liên tưởng đến thời xa xưa, khi TV màu còn chưa phát triển. Không có hình ảnh, âm thanh. Cả cộng đồng ngồi "tưởng tượng" về trận đấu qua lời kể của người khác.
2. "Hà Nội FC có pha tấn công hay nhưng chưa thành công. Đầu hiệp 2, Hà Nội FC tổ chức tấn công nhiều hơn", "Văn Quyết dứt điểm quá nhẹ, thủ môn bạn bắt được bóng",...
Càng về cuối, khán giả càng hồi hộp bởi Hà Nội FC đá mãi mà không có bàn. Tấn công thế nào, không ai biết, chỉ nghe đại sứ nói là có... vài cơ hội. CĐV chờ đợi từng dòng bình luận hiện lên. Đến khi ông Vinh viết "sau 6 phút bù giờ, tỷ số vẫn là 0-0. Vậy là Hà Nội FC đã thua", "trận đấu" mới thực sự kết thúc.
Điều luật đặc biệt của Triều Tiên khiến cuộc so tài giữa hai đội ẩn trong bức màn bí mật. Khó hình dung một trận đấu ở thời đại 4.0 lại được tường thuật theo cách thủ công. Càng khó hình dung hơn nữa, bởi một trận đấu dưới "định dạng" ngôn từ như vậy lôi lại cuốn nhiều CĐV hồi hộp theo dõi.
Cảm xúc có lẽ vẹn nguyên dù trận đấu diễn ra bằng hình thức nào. Đó là cái hay của bóng đá, cũng là đặc quyền mà một đội bóng đang cày ải, chiến đấu vì bóng đá nước nhà xứng đáng được hưởng.
3. Sẽ là hơi thừa để nói về mùa giải phi thường của Hà Nội FC. Đá nhiều hơn các CLB khác từ 16 đến 18 trận, mất nhiều trụ cột (Đình Trọng, Oseni chấn thương, Hoàng Vũ Samson rời đi, Văn Hậu sang Heerenveen, Văn Quyết có giai đoạn nghỉ thi đấu), trải sức ở 3, 4 đấu trường, đóng góp nhiều tuyển thủ QG, nhưng đội bóng Thủ đô vẫn tiến bước.
Cơ hội lập cú đúp danh hiệu vẫn còn (hoặc cú ăn ba nếu tính chức vô địch Siêu cúp đầu mùa), nhưng danh hiệu chỉ là một phần của bóng đá. Câu hỏi là: sau những nỗ lực đã bỏ ra, Hà Nội FC nhận lại điều gì?
Sân Hàng Đẫy được lấp đầy hơn 80% dù trận chung kết giữa Hà Nội FC và 4.25 diễn ra vào thứ Tư. Đội bóng Thủ đô được cổ vũ nồng nhiệt, không chỉ vì lứa cầu thủ thần tượng như Quang Hải, Duy Mạnh, Hùng Dũng, Thành Chung, mà còn vì họ là lá cờ đầu của V-League ở sân chơi châu Á cấp CLB - nơi bóng đá Việt Nam có một "vùng trắng" đúng nghĩa.
Khi nhiều CLB trốn tránh trách nhiệm đá châu lục, hoặc đá cho... xong rồi về, một đội bóng dám chơi tất tay, đá hết sức, chiến đấu đến cùng như Hà Nội FC xứng đáng được nhìn nhận công bằng hơn.
Từ xuất phát điểm của đội bóng "giàu xổi", được cổ vũ bởi một nhóm CĐV ít ỏi, Hà Nội FC vươn mình, tiến dần đến đẳng cấp châu Á và có thêm một lượng khán giả trung thành - sẵn sàng ngồi trước màn hình, xem một hình ảnh với độ phân giải thấp và cổ vũ suốt hai giờ đồng hồ. Bước tiến ấy giá trị hơn bất cứ danh hiệu nào mà đội bóng của bầu Hiển từng có.
Tình yêu Hà Nội FC nhận được, dường như cũng sẽ tạo động lực để các đội bóng V-League khác chơi tốt hơn ở châu Á trong tương lai. Một nền bóng đá mạnh không chỉ chờ ở mỗi ĐTQG. V-League phải có những CLB mạnh. Mà CLB mạnh phải đá đến cùng ở giải quốc tế, thay vì đi đá cho xong nhiệm vụ.
Mọi đội bóng chiến đấu vì danh dự bóng đá Việt Nam sẽ đều được yêu mến và cổ vũ nhiệt thành như Hà Nội FC, chắc chắn vậy.
Bình luận