Video: Từ trên cao cảnh đồi chè, cà phê ở Lâm Đồng bị băm nát phân lô, bán nền
Liên quan đến loạt bài VTC News phản ánh về tình trạng cạo đồi xanh, phân lô bát nháo ở Lâm Đồng, ngày 29/12, Sở TN&MT Lâm Đồng tiếp tục có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND các huyện, TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc về việc rà soát, đề xuất xử lý các trường hợp bất cập, không hợp lý trong các quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, ngày 14/12, Sở TN&MT đã gửi văn bản lần 1, nhưng đến nay không nhận được phản hồi.
Văn bản của Sở TN&MT ghi rõ, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc rà soát, đề xuất xử lý các bất hợp lý trong bố trí quy hoạch trên địa bàn, đảm bảo không có nội dung quy hoạch bất hợp lý giữa việc bố trí đất ở xen lẫn với đất nông nghiệp, đất công viên cây xanh (quy hoạch vị trí công viên cây xanh hoặc đất nông nghiệp xen lẫn trong khu vực đất ở, trong khu vực dân cư hiện hữu, lâu dài; quy hoạch một vài vị trí đất ở xen lẫn không hợp lý trong khu vực đất nông nghiệp).
Đề có cơ sở tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh theo quy định, Sở TN&MT đề nghị các đơn vị trên rà soát quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 và quy hoạch xây dựng đang áp dụng tại địa phương mà có bất cập, không hợp lý trong việc quy hoạch, cụ thể:
Rà soát quy hoạch vị trí đất ở xen lẫn trong khu vực đất nông nghiệp thuần túy, khu vực chưa có hạ tầng giao thông, hạ tầng đấu nối không đồng bộ. Không phải là quy hoạch đất ở trên cơ sở mở rộng khu dân cư hiện hữu, dọc các tuyến đường giao thông hiện hữu, đường giao thông quy hoạch mới.
Quy hoạch vị trí đất công viên cây xanh, đất nông nghiệp xen lẫn trong khu vực đất ở, khu dân cư hiện hữu đã sử dụng ổn định từ trước.
Nêu rõ lý do, cơ sở pháp lý, quy định liên quan khi đề xuất, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 và quy hoạch xây đang áp dụng tại địa phương.
Đồng thời, thống kê diện tích quy hoạch đất ở chưa đồng bộ giữa dữ liệu không gian (bản đồ quy hoạch) và dữ liệu thuộc tính (số liệu quy hoạch đất ở) tại điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 và quy hoạch xây dựng đang áp dụng tại địa phương.
Cùng với đó, các đơn vị phải rà soát các vấn đề khác có liên quan đến sự chồng chéo giữa các quy hoạch đang áp dụng hoặc đang thực hiện trên địa bàn.
"Đề nghị Sở Xây dựng và UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc khẩn trương đôn đốc, nhắc nhở thực hiện theo văn bản số 4001/STNMT-QLĐĐ ngày 14/12/2021. Thời hạn cuối cùng để gửi về Sở TN&MT trước ngày 31/12/2021 và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh cho mọi sự chậm trễ theo quy định", văn bản của Sở TN&MT Lâm Đồng ghi.
Loạt bài Cạo trọc màu xanh, đưa "rừng" bê tông lên đồi đồi xanh ở Lâm Đồng được VTC News đăng tải nêu tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp đổ xô về Lâm Đồng "gom" đồi trọc để phân lô, bán đất nền.
Ghi nhận của PV, dọc các nhánh của loạt con đường nối TP Bảo Lộc với huyện Bảo Lâm như: Tản Đà, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Chi Lăng, Nguyễn Thái Bình... hàng trăm quả đồi bị cạo trọc màu xanh, trơ trọi đất đỏ.
Điển hình tại Lâm Đồng hiện nay là đại công trình do Công ty CP đầu tư và phát triển BĐS Khải Hưng (Khải Hưng Corp) làm đơn vị phát triển với tên gọi khu nghỉ dưỡng Sun Valley.
Đại công trình này "ngự" trên quả đồi 41ha thuộc phần lớn diện tích huyện Bảo Lâm. Vốn được phủ xanh bởi chè và cà phê, thế nhưng Khải Hưng Corp lại tài tình "nhào nặn" quả đồi 41ha này thành khu nghỉ dưỡng Sun Valley với quy mô 1.200 nền đất để bán.
Như đại đa số công trình khác tại Lâm Đồng, khu nghỉ dưỡng Sun Valley cũng được Khải Hưng Corp áp dụng mô-típ "hiến đất làm đường" để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó lại "đúng quy trình" xin tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở để bán. Giá bán hiện tại đã lên tới 10 triệu đồng/m2 với các nền đất có diện tích từ 250 - 1.000m2.
Tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), một thôn đã có đến hàng chục khu đất bị san ủi, trải nhựa đường, phân lô. Bộ 3 "dự án": Sakura Village, Kiwuki Village, 300 Lộc Tân đều được quảng cáo do Công ty Gia Minh Group (GM Holdings) làm đơn vị phát triển.
"Dự án" Phố Hoa Hillside được Công ty BĐS Tây Nguyên Xanh rao bán, quảng cáo có quy mô 26ha. "Dự án" Bảo Lộc Green Wich được Công ty Phú Hoàng Investment nhận là chủ đầu tư, quy mô lên tới 30ha. "Dự án" Ecolake Village của Công ty Kingdom Land (thuộc Tập đoàn Kingdom Corporation) cũng đang "làm mưa, làm gió" tại Lộc Tân trên phần đồi 4,5ha.
Ngoài những cái tên này, các công trình mang tên: Bảo Lộc Farm 38, Happy Valley, Dano Farm... cũng được quảng cáo đầy rẫy trên các trang mua bán.
Tương tự, tại xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), Sunrice Village, The Gems Paradise II, 50 Lộc Quảng, Green Garden Hill, Star Hill Garden, Sun Home Lộc Quảng, Green Life, Aurora City, Mimosa Garden, Charming Garden... là những cái tên được ghim vị trí bản đồ vào các quả đồi đã bị cạo trọc tại Lộc Quảng.
Sau xã Lộc Tân và Lộc Quảng, hiện xã Lộc An, Lộc Phú, Lộc Đức, Lộc Ngãi, Lộc Nam và B'lá của huyện Bảo Lâm cũng đang "chạy đua" với phong trào xẻ đồi, phân lô. Từ trên google map, những "khu bàn cờ" giữa đồi xanh được ghim tên: Làng sinh thái An Khuê 2, Tea Village, Hưng Long Centuary, The Tropicana Garden, Panamera Bảo Lộc, Medi Ecovill, Farm House Lộc Đức, Farm Hill Premium, The Venica...
TP Bảo Lộc sau thời gian "nóng sốt", báo chí liên tục phản ánh, một số cán bộ bị xử lý thì nay đâu lại vào đấy. Các "rừng" bê tông vẫn tiếp tục được mọc lên từ đồi xanh.
Sau thời gian "im hơi lặng tiếng" do một số công trình bị "điểm huyệt", các "dự án" mang tên: Fog Garden, An Gia Garden Hill, Evergreen Project, Pine valley, Richard Lộc Phát, Iris Valley, Đam B'ri Ecovill, Suối Mơ Garden Hill, Sun Flower, Homeland Garden, Đam B'ri Hill Village, Country Dream... trở lại TP Bảo Lộc với hình thức bán hàng kín kẽ hơn.
Điểm chung của hàng trăm "dự án" này là đều được hình thành trên những quả đồi, những phần đất vốn được trồng chè và cà phê. Điều này khiến nhiều người lo ngại về cảnh quan cũng như khí hậu của xứ trà này không còn được như xưa.
Bình luận