Theo thông cáo này, các Bộ trưởng EU sẽ nhóm họp vào ngày 15/10 tại Luxembourg và chính thức phê chuẩn các lệnh trừng phạt Nga do Anh và Pháp đề xuất sau các cuộc tấn công tại Syria và vụ đầu độc cựu điệp viên Sergey Skripal tại Anh tháng 3/2018.
"Gần như chắc chắn 100% các bộ trưởng ngoại giao EU sẽ xác nhận lệnh trừng phạt mới với Nga tại cuộc đàm phán ở Luxembourg vào ngày mai", Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev hôm 14/10 xác nhận.
Theo các phương tiện truyền thông Anh, lệnh trừng phạt sẽ hạn chế nhập cảnh vào EU và đóng băng các tài khoản nước ngoài của giới chức lãnh đạo các cơ quan tình báo Nga và các cộng sự trực tiếp của họ. Trong khi đó, một quan chức ngoại giao Anh nói rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ không chỉ nhắm vào Nga mà còn chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học trên toàn thế giới.
"Trong nhiều năm qua, có một điều cấm kỵ quốc tế về việc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng nó đang bị đe dọa sau các sự cố ở Syria và Salisbury. Bây giờ, chúng ta cần vạch ra lằn ranh đỏ cho tất cả những người đang cố gắng sử dụng loại vũ khí khủng khiếp này. Họ cần phải hiểu rằng những ai vi phạm sẽ phải trả giá đắt", Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 13/9, EU quyết định gia hạn lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và các tổ chức Nga thêm 6 tháng trước khi các biện pháp trừng phạt hết hạn vào ngày 15/9/2018.
"Các biện pháp bao gồm đóng băng tài sản và hạn chế nhập cảnh đối với các quan chức, tổ chức, công ty của Nga, bao gồm 44 tổ chức và 155 cá nhân”, Liên minh châu Âu cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm 13/9 và khẳng định đây là biện pháp buộc Nga giảm các hành động gây suy yếu hoặc đe dọa toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine.
Như vậy các lệnh trừng phạt Nga được EU dựa trên những cáo buộc Nga hậu thuẫn và cho phép quân đội chính phủ Syria thực hiện tấn công hoá học vào thành phố Douma hôm 7/4 và vụ việc trước đó, London cáo buộc Mátxcơva đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergey Skripal và con gái ông này tại Salisbury, Anh bằng chất độc thần kinh Novichok.
Nga ngay từ đầu phủ nhận mạnh mẽ các cáo buộc trên. Với sự việc tại Douma, Bộ Quốc phòng Nga đưa ra các bằng chứng rằng quân đội Syria không hề thực hiện bất kỳ vụ tấn công hoá học nào, khẳng định tất cả những hình ảnh và video hiện trường được dàn dựng, đề nghị Tổ chức Cấm vũ khí hoá học cử các điều tra viên và chuyên gia tới thanh sát. Nhưng trước khi OPCW tới làm việc liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã không kích dồn dập trả đũa Damascus và cho tới nay không có bất cứ kết luận nào về việc quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hoá học tấn công dân thường được đưa ra.
Tương tự sự cố tại Salisbury, chính phủ Anh cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên Skripal bằng chất độc thần kinh Novichok - một loại vũ khí được sản xuất và phát triển từ thời Liên Xô. Nga yêu cầu London hợp tác điều tra, cung cấp bằng chứng Novichok được sử dụng và truy xuất nguồn gốc chất độc. Tuy vậy giới chức Anh từ chối mở cuộc điều tra chung, OPCW sau quá trình điều tra không kết luận được có Novichok hay không và không đưa ra được bằng chứng chất độc tấn công Skripal có nguồn gốc từ Nga.
Bình luận