• Zalo

'Cành vàng lá ngọc' vẫn ế chồng

Sức khỏeThứ Năm, 02/01/2014 04:00:00 +07:00Google News

Không như người khác, chị sợ Tết, sợ khoảnh khắc giao thừa khi mà nhà nhà người người sum vầy đón tết và điều chị sợ nhất đó là sự cô đơn.

Không như người khác, chị sợ Tết, sợ khoảnh khắc giao thừa khi mà nhà nhà người người sum vầy đón tết và điều chị sợ nhất đó là sự cô đơn.

Ngày chị đôi mươi, chị cũng được mệnh danh là hoa hậu của phường. Đi đâu, đầu làng ngõ xóm ai cũng trầm trồ “xinh quá”, “đã cao lại còn xinh, đã xinh lại còn thông minh",…Vì cái xinh đó mà chị kén cá chọn canh, ai đến chị cũng lắc đầu từ chối, bởi theo chị người ta chưa xứng tầm làm người yêu chị. Bố mẹ chị lúc đầu cũng có ưng một vài mối nhưng rồi nghe chị phân bua bố mẹ chị cũng ngầm hiểu “con gái mình có giá lắm chứ”.
Ngày chị tốt nghiệp trung cấp, nhờ có quen biết mà bố chị chạy cho vào nhà nước. Chị như hổ mọc thêm cánh, nâng tiêu chuẩn chọn chồng cao thêm vài bước. Theo chị, mẫu người lý tưởng xứng đáng làm người yêu chị thứ nhất phải cao to đẹp trai. Thứ hai phải là công chức nhà nước đàng hoàng. Thứ ba, nhà mặt phố bố làm to. Và còn vài tiêu chuẩn vụn vặt khác như lãng mạn, tâm lý, đôi lúc tạo sự hài hước bất ngờ.
Sau khi nghe chị tuyên bố tiêu chuẩn, những anh chàng độc thân trong cơ quan cũng phải chào thua, ai cũng cho rằng cái tiêu chuẩn đó, thì chỉ có những anh chàng trong phim Hàn Quốc mới đáp ứng được.
Chị là gái Hà Nội, nên khá mạnh dạn. Nhờ bạn bè, chị cũng quen khá nhiều anh chàng được cho là “đại gia trẻ” có tiếng. Vì sẵn có ngoại hình nên chị luôn được để ý. Không ít người làm quen với chị. Có anh chàng tên H người trong Quảng Nam cao to đẹp trai, nhà mặt phố, học Đại học kinh tế hẳn hoi. Nhưng khi biết anh là chủ của một công ty phân phối phân bón, chị bĩu môi: “nhà mặt phố, nhưng bố chẳng làm to, lại còn làm cái việc phân phối phân bón thì thôi, nghỉ”.  
Bị chị làm cho mất mặt, anh chàng từ đó không dám bén mảng nữa. Rồi thằng bạn thân giới thiệu cho chị anh chàng tên K, người Nam Định được gọi là hào hoa lịch lãm ai gặp cũng mê, hơn nữa là con nhà thương nhân giàu có mấy đời ăn không hết. Chị vừa nghe vừa mừng, ngay khi gặp mặt chị đã sốc tới mức, phun thẳng ngụm nước vào mặt thằng bạn chỉ vì anh ta chưa cao nổi 1m70…
Thế rồi, tuổi xuân của chị qua đi trong sự tìm kiếm và chờ đợi. Khi chị nhận ra thì mình đã gần 30, cái tuổi mà ở quê các cụ gọi là “ế”. Chị vội vàng xét lại một vài tiêu chuẩn. Thôi thì đẹp trai vừa vừa cũng được miễn là cao hơn 1m70. Nhà không mặt phố, bố không làm to thì cũng hộ khẩu Hà Nội, nhà trong ngõ cũng được,… Qua sự giới thiệu của bạn bè, chị quen một “cậu em” người Nam Định tên là T ít hơn chị 3 tuổi. Không cao to đẹp trai nhưng cũng trên 1m70, có tài ăn nói, có hộ khẩu Hà Nội và quan trọng là T thích chị.
Cũng hẹn hò rồi yêu nhau được vài tháng, trước sự thúc dục của gia đình chị, T miễn cưỡng đưa chị về nhà giới thiệu. Vừa gặp chị, bố mẹ T tỏ ra phản đối quyết liệt. Tuy là gia đình bề thế, nhưng bố mẹ T lại có cách chọn con dâu rất truyền thống. Là con dâu ông bà chí ít cũng phải “thắt đáy lưng ong”, “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, “đẹp hiền dịu không son không phấn”,…ấy vậy mà chị mình dây mảnh khảnh, phấn son thơm phức. Chưa kể, mẹ T tí nữa ngã ngửa khi nghe con trai giới thiệu chị đã ngoài 30, hơn con ông bà những 3 tuổi.
Ban đầu T còn động viên chị, nhưng dần dà T cũng chán. Lý do không phải vì bố mẹ phản đối, mà càng ngày anh càng thấy rõ tham vọng của chị. Cuối cùng cậu ta đã đi theo tiếng gọi tình yêu mới cô bé đồng hương Nam Định. Cô bé tuy không cao hơn chị, nhưng xinh xắn và dễ thương hơn chị. Quan trọng là cô gái kém T những 5 tuổi và kém chị tới 8 tuổi. Chị sợ, sợ mất T, sợ cô đơn và sợ “ế”, nên đã chạy đến tìm cậu ta. Nhưng chỉ nhận được những lời nói bâng quơ. Một tháng sau, T kết hôn. Chị suy sụp và già đi trông thấy.
Thời gian trôi nhanh như con thoi, thấm thoắt chị đã gần 40 tuổi. Bố mẹ chị ngày đêm “điếc tai” vì những lời dị nghị của hàng xóm bởi gia đình có một đàn con gái mà chòi lại một đứa mà lại là đứa “hoa hậu phường”. Sợ tổn thọ, ông bà mua thêm một căn nhà nho nhỏ và cho chị ra ở riêng. Thế là chị bắt đầu hành trình “đi sớm về khuya một mình”. Ban ngày đi làm, tối về chị lại vò võ sống trong ký ức tuổi xuân. Bạn bè cũng chẳng ai màng tới chị, bởi với chị họ chỉ là bạn bè “xã giao” chị chẳng thật sự thân với ai cả. Vì với chị, họ cũng chẳng xứng tầm làm bạn.
Rồi mỗi xuân về tết đến người người nhà nhà nô nức chuẩn bị Tết. Ai cũng vui vẻ hân hoan. Không như người khác, chị sợ Tết, sợ khoảnh khắc giao thừa khi mà nhà nhà người người sum vầy đón tết. Và điều chị sợ nhất đó là sự cô đơn.
Buồn vì cô đơn, khát khao mãnh liệt một bờ vai, chị đã khóc ngất đi trước của nhà mình. Đúng lúc đó, M xuất hiện. M bằng tuổi chị cũng ngoại tứ tuần. M làm nghề thợ điện, cách nhà chị chừng 100km. Hắn đã đỡ chị dậy, dìu chị vào nhà. Rồi ngày ngày M đến chăm sóc chị. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Chị chính thức qua lại với M trong sự ghét bỏ và ruồng rẫy của hàng xóm.
Chị bỏ ngoài tai lời đàm tiếu của thiên hạ rằng M là sở khanh, chỉ lợi dụng tiền bạc, vòi vĩnh chị. Từ lúc vợ hắn mất, hắn sa đọa, đàn đúm, cặp với đủ các thể loại đàn bà, từ cô bán rau, bán chuối, tới cô phục vụ nấu ăn,… Ai nói xấu M lọt tới tai, chị sẵn sàng nhảy bổ vào chửi mắng cả họ hàng, tông ti nhà người ta. Hàng xóm ai cũng khiếp vía và chẳng ai thèm quan tâm tới chị nữa.
Mỗi lúc cần tiền, M một điều “vợ ơi” hai điều “vợ của M yêu quý ơi” là chị xì hết lương cho M ngay. Cứ thế, năm này qua năm khác, chị không những còng lưng nuôi M mà còn nuôi cả thằng em trai nghiện hút của M mà chị không hề hay biết.
Nhưng cái còng lưng của chị cũng không đủ để đánh đổi sự cô đơn của mỗi đêm giao thừa. Bởi những ngày lễ tết đêm giao thừa, M luôn để mặc cô vợ hờ đáng thương để về với người vợ quá cố và gia đình hắn. Lúc chị hỏi, hắn ngọt xớt: “Rồi sang năm anh sẽ về ăn tết với mình”.
Rồi chị đợi, đợi năm này qua năm khác, tới khi mái đầu đã điểm hoa râm, người chị thành hình chữ S, không còn một cuốn sổ tiết kiệm phòng thân chị mới hiểu cái giá của tham vọng là sự cô đơn.





Theo ĐS&PL.
Bình luận
vtcnews.vn