Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải những ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này:
Ông Huỳnh Mau – GĐĐH CLB Hoàng Anh Gia Lai
Cũng giống như nhiều CLB khác, chúng tôi thường cho các cầu thủ nghỉ khoảng 1 tuần. Năm nay cũng vậy dù giải đấu diễn ra sau Tết Âm. Diễn ra sau Tết nhưng không có nghĩa là ăn Tết thoải mái, không giữ mình. Bởi mọi sự chuẩn bị từ trước đó sẽ trở về số 0 ngay lập tức. Thế thì lãng phí công sức lắm.
Tôi ủng hộ quan điểm thi đấu trong dịp Tết âm vì bóng đá không là gì khác nghề phục vụ quần chúng nhân dân.
Khán giả có thêm một món ăn tinh thần, một điểm đến giải trí trong ngày nghỉ Tết. Không chừng đến rất đông, năm mới thêm hồ hởi, tưng bừng. Các cầu thủ đi thi đấu thì bớt đi những tệ nạn có thể gặp phải trong dịp nghỉ như bài bạc, rượu chè, ăn chơi quá đà.
Thi đấu trong dịp nghỉ Tết là một ý kiến hay. Có điều, tôi chỉ sợ VFF chưa dám mạnh dạn làm điều này đâu. VFF bây giờ đang bị nhiều người nhìn vào thiếu thiện trí, thiện cảm. Nên cũng lo, đề xuất này phản ứng ngược!
Ông Dương Nghiệp Khôi - Phó tổng thư ký VFF (chuyên gia xếp lịch thi đấu)
Ông Dương Nghiệp Khôi |
Thứ nhất, chúng ta có hai giải đấu quan trọng thường niên là AFF Cup và SEA Games đều diễn ra vào cuối năm vì thế cần có thời gian cho đội tuyển quốc gia tập trung, chuẩn bị và thi đấu. Thứ hai, chúng ta thường có mùa mưa bão tập trung vào tháng 9 tháng 10.
Đó là chuyện sắp lịch. Còn chuyện buộc phải nghỉ Tết chúng tôi cũng không thể tránh được. Vì đó là truyền thống của dân tộc rồi. Nếu bạn cho rằng, sân vận động sẽ là điểm vui chơi giải trí trong những ngày nghỉ Tết thì tôi nghĩ ngược lại.
Chúng ta không như ở châu Âu, mỗi đội bóng thường có một hội CĐV lớn và họ mua vé tới sân thường cho cả một mùa giải. Vào những ngày nghỉ cả nhà cùng đến sân bóng để giải trí. Ở Việt Nam nghỉ Tết là nhà nhà về quê, từ 23 tháng Chạp mọi người chỉ lo đi sắm sửa Tết, rất ít người đi xem bóng đá chứ đừng nói là trong những ngày nghỉ Tết.
Chuyên gia Trần Văn Phúc - Cựu PCT Hội đồng HLV Quốc gia
HLV Trần Văn Phúc |
Thường thì ngoại binh sẽ mất công hơn vì nghỉ Tết, ngoại binh có xu thế ăn chơi tiêu cực hơn nội binh.
Đời làm thầy đến lúc này tôi nhớ mãi Hoàng Đình Tùng khi còn ở Thanh Hóa. Đình Tùng khoe với tôi 30 Tết vẫn chạy, vẫn tập. Ngày nghỉ Tết, cậu ấy cũng dành ít thời gian để tập nữa. Thế nên ăn Tết xong, trở lại, Đình Tùng thực hành giáo án ngon lành. Kể chuyện để thấy, bóng đá xứ ta mùa vụ có tính đặc thù. Nhưng căn bản và quan trọng nhất là ý thức chuyên nghiệp trong mỗi cầu thủ.
Nguyễn Hữu Thắng – HLV CLB SLNA
HLV Nguyễn Hữu Thắng |
Nếu cầu thủ không có ý thức giữ gìn, tập luyện thì rất vất vả để hồi phục sau quãng nghỉ. Nói gì thì nói, kiều gì thể lực cầu thủ cũng giảm sút đáng kể sau quãng thời gian nghỉ Tết. Để hạn chế điều này đòi hỏi mỗi đội bóng phải một cách thức quản quân, giữ quân phù hợp nhất. Tôi cũng có cách quản quân của riêng tôi.
Nhưng nói đi vẫn phải nói lại, nếu phải đá xuyên Tết tôi vẫn ủng hộ thôi, song tâm lý cầu thủ vẫn muốn được nghỉ sau một cả một năm làm việc để về sum họp bên gia đình. Đặc thù và truyền thống của chúng ta lâu nay đã thế.
Nhân đây trả lời câu hỏi của bạn là việc tai nạn trong ngày nghỉ Tết như trường hợp Văn Quyến ở SLNA mấy năm trước.
Tôi cũng thú thật rằng, đó là sự đen đủi không một ai mong muốn. Và cũng không thể lấy chuyện chẳng may này để phủ nhận nỗ lực trước đó của một con người. Nghỉ Tết đúng là dịp sum tụ đông vui không tránh được việc ăn chơi, uống rượu… Nhưng là một cầu thủ chuyên nghiệp, họ phải tự ý thức được mình.
Tiểu Hàn(Ghi)
Bình luận