Cảnh mẹ ôm con la liệt tại các khoa Nhi ở Hà Nội

Sức khỏeThứ Hai, 07/01/2013 05:29:00 +07:00

Sáng 7/1, tại các khoa Nhi, cảnh tượng những bà mẹ ôm trẻ nhỏ trong những chiếc chăn dày cộp đứng chờ khám bệnh trở nên khá phổ biến.

Sáng 7/1, tại các khoa Nhi, cảnh tượng những bà mẹ ôm trẻ nhỏ trong những chiếc chăn dày cộp đứng chờ khám bệnh trở nên khá phổ biến.


Miền Bắc đang trong những ngày giá rét nhất của mùa Đông. Tại nhiều nơi, nhiệt độ ngoài trời ban ngày giảm xuống 10 độ C, nhất là buổi đêm nhiệt độ còn giảm sâu hơn nữa.Thời tiết giá lạnh cùng với ẩm thấp khiến nhiều trẻ nhỏ và người già gặp các loại bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi dị ứng, tim mạch…

Tấp nập trẻ nhỏ, người già đi khám bệnh

Bác sỹ khám bệnh cho trẻ. (Ảnh: TTXVN) 
Sáng 7/1, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hay khoa Nhi Bệnh viện Xanh-Pôn, cảnh tượng những bà mẹ ôm trẻ nhỏ trong những chiếc chăn dày cộp đứng chờ khám bệnh trở nên khá phổ biến.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ đến khám vì đợt lạnh buốt này tấp nập hơn cả. Mỗi ngày có khoảng 2.000-2.500 bệnh nhi đến khám tại đây.

Tại Bệnh viện Xanh-Pôn, trong cái lạnh căm căm đầu đông, ôm cháu bé mới hai tháng tuổi trên tay, chị Lại Thị Hoa (ở Ba Đình, Hà Nội) vừa lo cho sức khỏe của con, vừa ra sức ôm ấp để sưởi ấm cho cháu bé trên tay.

Chị Hoa cho hay, bé bị sổ mũi mấy ngày, gia đình nghĩ là nhẹ nên tự điều trị ở nhà. Nào ngờ chỉ sau vài hôm đi khám thì mới biết cháu đã bị viêm phế quản.

Bác sỹ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng khoa Hô hấp Nhi (Bệnh viện Xanh-Pôn) cho biết trong những ngày giá lạnh, số bệnh nhân nhi nhập viện tăng lên khá nhiều. Mấy ngày gần đây, mỗi ngày có tới chục trẻ nhập viện để điều trị. Đáng lưu ý, đối tượng nhập viện ở khoa hô hấp nhi nhiều nhất là trẻ dưới 2 tháng tuổi bị viêm phế quản.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trong hai ngày cuối tuần vừa qua, lượng bệnh nhân nhi nhập viện quá nhiều, tại Khoa nhi đang diễn ra tình trạng quá tải bệnh nhân trầm trọng.



 

Người già không nên dậy quá sớm, không thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Đặc biệt, không nên tắm và gội cùng lúc.

Bác sĩ Nguyễn Trung Anh
 
Ông Dũng cho hay, so với những ngày thường, lượng bệnh nhân đã tăng lên gấp 1,5, thậm chí gấp 2 lần. Những ngày bình thường chỉ có 200 trường hợp đến khám, tuy nhiên những ngày trời lạnh giá như tuần qua số trẻ nhập viện tăng thêm 100 bé mỗi ngày, lên tới 200-300 trẻ đến khám. Trong khi đó, mỗi ngày có khoảng 20 trẻ phải nhập viện.

Không riêng gì trẻ nhỏ phải nhập viện vì thời tiết lạnh, mà cũng có rất nhiều người già cũng phải chịu cảnh nhập viện vì nhiều loại bệnh do giá rét gây ra.

Tại khoa khám bệnh Bệnh viện Lão khoa Trung ương, mấy ngày trời lạnh vừa qua, số lượng người già nhập viện cũng tấp nập không kém. Những ngày lạnh, số bệnh nhân là người cao tuổi nhập viện đã tăng lên từ 2-3 lần so với ngày thường.

Đáng lưu ý, những bệnh người già chủ yếu gặp phải khi thời tiết lạnh giá là huyết áp, tim mạch, xương khớp...
Phòng bệnh trời lạnh

Lý giải nguyên nhân mắc bệnh ở trẻ nhỏ, nhất là ở đối tượng trẻ sơ sinh, bác sỹ Lan cho hay, thời tiết lạnh và ẩm là điều kiện thuận lợi cho virus gây viêm nhiễm ở tai mũi họng phát triển. Những đối tượng như trẻ nhỏ, người già hay phụ nữ sau khi sinh đẻ dễ bị lạnh dẫn tới mắc bệnh.

 

Phụ huynh cần giữ ấm đầu, cổ, ngực, chân tay và làm sạch mũi, cho trẻ uống nhiều nước. Đặc biệt, để giữ gìn sức khỏe với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh khi có việc cần thiết mới nên cho trẻ ra khỏi nhà.

Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan
 
Bác sỹ Lan cho biết, phần lớn trẻ sơ sinh khi được đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện Xanh-Pôn trong tình trạng ho, sốt. Quan thăm khám và kiểm tra cho kết quả cho thấy, mặc dù trẻ sơ sinh được các gia đình chăm chút rất kỹ, không cho ra ngoài giao du nhưng rất nhiều trẻ vẫn bị nhiễm bệnh do lây từ người lớn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm mùng 8 và gần sáng 9/1 sẽ có thêm một đợt không khí lạnh tăng cường xuống Việt Nam, do đó tình trạng rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền Bắc sẽ còn tiếp diễn cho đến giữa và cuối tháng 1.

Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ nhỏ, bác sỹ Lan khuyến cáo các bậc phụ huynh chống lạnh bằng cách mặc ấm cho trẻ rất quan trọng. Phụ huynh cần giữ ấm đầu, cổ, ngực, chân tay và làm sạch mũi, cho trẻ uống nhiều nước. Đặc biệt, để giữ gìn sức khỏe với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh khi có việc cần thiết mới nên cho trẻ ra khỏi nhà.

Tuy nhiên, bác sỹ Lan cũng nhấn mạnh cha mẹ cũng cần lưu ý để tránh lây nhiễm bệnh từ người lớn sang trẻ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn của trẻ. Vì khi trẻ có dấu hiệu bệnh sẽ lười ăn dẫn tới nguy cơ bị hạ đường huyết. Nhất là ban đêm khi trẻ bị hạ đường huyết sẽ lịm dần và ngất đi. Nhiều cha mẹ cứ tưởng con vẫn ngủ nên rất nguy hiểm.

Với người già, để phòng bệnh, theo bác sỹ Nguyễn Trung Anh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời tiết lạnh kích thích hệ thần kinh trung ương, làm tăng co mạch, từ đó, dẫn đến dễ bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đau các khớp xương.

Vì vậy người già không nên dậy quá sớm, không thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Đặc biệt, không nên tắm và gội cùng lúc./.
Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình thời tiết đang diễn biến bất thường, có các đợt rét đậm, rét hại kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sức khỏe của nhân dân đặc biệt là người già và trẻ em, những người có bệnh mãn tính về hô hấp, xương khớp...

Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê vừa yêu cầu các bệnh viện tăng cường phòng, chống rét cho người bệnh.

Nơi xếp hàng chờ khám, các buồng khám bệnh, buồng điều trị người bệnh phải đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi, phương tiện đảm bảo cho người bệnh được giữ ấm trong thời gian khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Thùy Giang (Vietnam+)
Bình luận
vtcnews.vn