GTNFoods vừa tổ chức phiên họp đại hội cổ đông thường niên vào giữa tháng 2 - thời điểm Covid-19 bùng phát trên thế giới và căng thẳng ở Việt Nam. Khác mọi năm, những người đón cổ đông GTN đầu tiên không phải đại diện doanh nghiệp mà là nhân viên y tế, với máy đo thân nhiệt và nước rửa tay.
Cổ đông được yêu cầu trả lời một bảng hỏi về thông tin di chuyển gần ngày họp và khả năng tiếp xúc với những người đi về từ Vũ Hán hoặc Trung Quốc. Khi hoàn tất hai "chốt chặn" đầu tiên, cổ đông sẽ được đăng ký tham gia họp, nhận tài liệu kèm một khẩu trang y tế để sử dụng.
Không riêng cổ đông GTN Foods, mọi nhà đầu tư năm nay có thể sẽ được chứng kiến những điều chưa từng thấy trong mùa đại hội cổ đông. Không chỉ là những bảng hỏi "có đến từ vùng dịch" hay những bước kiểm tra thân nhiệt, phát khẩu trang, rất có thể những cuộc họp cổ đông trực tuyến, biểu quyết qua mạng sẽ diễn ra.
Ý tưởng này có thể thành hiện thực. Mới đây, đại diện Ủy ban chứng khoán cho biết sẽ thúc đẩy giải pháp họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến, bỏ phiếu qua hệ thống bỏ phiếu điện tử. Mùa cao điểm của đại hội cổ đông thường rơi vào tháng 3, 4 và không loại trừ đây cũng có thể là "đỉnh" của dịch.
Hệ thống bỏ phiếu điện tử (E-Voting) được VSD triển khai từ đầu năm 2017, mục đích ban đầu giúp các cổ đông đảm bảo quyền và lợi ích tại phiên họp thường niên. Vì các nguyên nhân khách quan, nhiều cổ đông không tham dự dẫn tới có trường hợp doanh nghiệp phải hủy họp vì số lượng tham gia không đạt tỷ lệ theo quy định.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, E-Voting trở thành giải pháp được khuyến khích để các cổ đông đảm bảo quyền và lợi ích, nhưng không cần tham dự phiên họp đông người.
Một vài doanh nghiệp đã bắt đầu lo ngại nCoV lây lan, có thể ảnh hưởng tới cuộc họp đại hội cổ đông thường niên. Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di Đông (MWG) vừa lấy khảo sát ý kiến cổ đông xin lùi thời gian tổ chức phiên họp thường niên từ 27/3 sang cuối tháng 4. Lý do của MWG là, ngoài vấn đề hạn chế rủi ro lây nhiễm và sức khỏe cộng đồng, còn là việc tôn trọng quyền và đối xử công bằng giữa các cổ đông.
"Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cổ đông nước ngoài có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển đến và về từ Việt Nam", Thế giới Di Động giải thích.
Trước Thế giới Di Động, phiên họp cổ đông bất thường năm 2019 của Eximbank, dự kiến tổ chức ngày 5/3, cũng bị hoãn. Quyết định xuất phát từ chỉ đạo của UBND TP HCM đề nghị không tổ chức phiên họp nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm nCoV trong cộng đồng.
Cả Eximbank và Thế giới Di Động - hai trường hợp đã hoãn và đang xin ý kiến hoãn phiên họp cổ đông - cùng có thời gian họp trong tháng 3. Còn những doanh nghiệp đã tổ chức, không khí "chống dịch" cũng căng thẳng không kém.
Dù vậy, thực trạng dừng hoặc xin ý kiến cổ đông lùi thời gian tổ chức phiên họp thường niên chỉ mới xuất hiện ở những doanh nghiệp có lịch họp ngay trong tháng 3. Đại diện một số nhà băng dự kiến tổ chức họp thường niên cuối tháng 4 cho biết vẫn chưa có kế hoạch dời lịch họp và dự kiến vẫn áp dụng họp kiểu cũ. Tuy nhiên, họ cho biết sẽ thận trọng và có phương án phòng chống dịch.
Bình luận