Thời gian gần đây, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một số bệnh nhân bị ngộ độc chì, nguyên nhân là do dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc. Các bác sĩ khuyến cáo, không nên sử dụng những loại thuốc tự pha chế không rõ nguồn gốc sẽ dễ gây ra nhiều mối nguy cho sức khoẻ.
Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân là Lê Văn N bị chứng rối loạn mồ hôi chân tay, nhập viện sau 2 tuần uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc với các biểu hiện mệt mỏi, vàng da và mắt... Qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sỹ tại Trung tâm chống độc đã xác định được nguyên nhân có nguồn gốc từ chì có trong viên Hồng đơn (một dạng thuốc y học dân tộc không có nguồn gốc rõ ràng).
Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân là Lê Văn N bị chứng rối loạn mồ hôi chân tay, nhập viện sau 2 tuần uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc với các biểu hiện mệt mỏi, vàng da và mắt... Qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sỹ tại Trung tâm chống độc đã xác định được nguyên nhân có nguồn gốc từ chì có trong viên Hồng đơn (một dạng thuốc y học dân tộc không có nguồn gốc rõ ràng).
Thuốc Nam (Hồng đơn) không rõ nguồn gốc được xác định trong thành phần có hàm lượng chì cao. Ảnh: bachmaihospital.org |
Một cháu bé 1 tuổi cũng bị nhiễm độc chì do mẹ cháu sử dụng thuốc cam màu đỏ về bôi hăm và trị lở loét. Cháu nhập viện trong tình trạng còi cọc, yếu ớt, da xanh xao, gia đình cho đi khám và được chẩn đoán là thiếu máu. Mặc dù được truyền máu liên tục trong 2 năm trước đó nhưng thể trạng bé vẫn rất còi cọc. Trung tâm chống độc cũng đã xét nghiệm thuốc bé đã dùng, kết quả cho thấy, trong loại “thuốc cam” màu đỏ này có hàm lượng chì cao.
TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm cho biết, điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc chì mãn có thể kéo dài hàng năm trời và những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục. Trẻ em ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là tình trạng ngộ độc mãn tính vì không chỉ nhiễm chì trong máu, mà chì còn xâm nhập vào các tổ chức xương, não, các bộ phận khác trên cơ thể… khiến trẻ chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ.
“Thuốc nam nếu chữa đúng thuốc, đúng bệnh cũng rất tốt. Tuy nhiên, tránh tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không nghe theo truyền miệng, lặn lội xa xôi tới những thầy lang “danh tiếng” do đồn thổi. Bởi những loại thuốc tự pha chế, thiếu kiến thức chuyên môn... sẽ dễ gây ra nhiều mối nguy cho sức khoẻ”, TS Duệ cảnh báo.
Ths Lê Quang Thuận thuộc Trung tâm chống độc cho biết, ngộ độc chì thường do hấp thu chì qua đường tiêu hóa, ở nước ta rất hay gặp do uống các thuốc nam, đặc biệt là các loại thuốc tễ không rõ nguồn gốc như Mẫu đơn, Chu sa, Thần sa (trong thành phần có kim loại nặng hàm lượng cao)... Biểu hiện của bệnh thường là các dấu hiệu và triệu chứng do tổn thương gây độc tế bào đối với nhiều cơ quan, đặc biệt là về hệ tiêu hóa: chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón. Nếu ngộ độc nặng có các biểu hiện của suy gan, suy thận, mệt mỏi, vàng da, tiểu ít, thậm chí vô niệu, xét nghiệm thấy men gan, bilirubin, ure, creatinin máu tăng dần. Ngoài ra có thể gặp các dấu hiệu khác về thần kinh trung ương như đau đầu, kích động, ảo giác nhưng thường ít gặp hơn.
Với ngộ độc chì ở trẻ em, thường có biểu hiện tổn thương não như viêm não do chì (vô cảm, rối loạn ý thức, có thể có co giật), đôi khi có biểu hiện của tăng áp lực nội sọ...
Bác sĩ Thuận nhấn mạnh, khi bị nhiễm độc chì, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế tin cậy để khám và điều trị, hết sức tránh dùng các loại thuốc y học dân tộc có nguồn gốc không rõ ràng. Nếu có dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ cần tới trung tâm chống độc để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Bình luận