Video: Cận cảnh phòng nghỉ của Giám đốc Cảng vụ Thanh Hóa bị bêu xấu "sang hơn Bộ trưởng"
Không chỉ khốn khổ vì bị bêu xấu "sang hơn Bộ trưởng", Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa còn bị rêu rao đã "xé rào" cho các tàu có trọng tải trên 50 nghìn tấn (50.000 DWT) ra vào cảng. Trong khi đó, vị giám đốc này lại được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp đánh giá là "có công" đối với địa phương.
Cụ thể, một tờ báo "phán" rằng: “Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa không được phép tiếp nhận tàu trên 50.000 DWT vào cập bến, thế nhưng trên thực tế, đơn vị này liên tục “xé rào” cấp phép cho hàng loạt tàu vượt trọng tải thường xuyên ra vào cảng bốc dỡ hàng hóa”.
Chia sẻ với PVVTC News, ông Đặng Văn Ba – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa cho biết, trong thời gian vừa qua đơn vị đã căn cứ vào Quyết định số 2368/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ Giao Thông vận tải “phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Trung bộ giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: “Cỡ tàu theo quy hoạch để làm cơ sở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển, không là cơ sở để không cho phép tàu có trọng tải lớn hơn hành hải trên luồng và ra, vào cảng.
Các tàu có trọng tải lớn hơn nhưng có thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng tiếp nhận của cầu cảng, phù hợp chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu (bề rộng, chiều sâu, tĩnh không…), đảm bảo điều kiện an toàn đều được cấp phép ra, vào cảng.
Đồng thời, theo Thông báo kết luận số 302/TB-BGTVT ngày 6/6/2016 của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công chủ trì cuộc họp với Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan, ban ngành liên quan đã có chỉ đạo: “Cỡ tàu, trọng tải tàu theo quy hoạch là cơ sở kỹ thuật để tính toán quy mô, chuẩn tắc kỹ thuật cầu cảng, luồng tàu.
Trong thực tế khai thác, cầu cảng, luồng tàu được phép tiếp nhận tàu ra, vào làm hàng không giới hạn bởi trọng tải tàu theo quy hoạch mà được xem xét trên cơ sở thông số kỹ thuật tàu phù hợp với chuẩn tắc kỹ thuật luồng tàu (độ sâu, chiều rộng, đường kính quay trở, tĩnh không…) và năng lực cầu cảng…;
Văn bản số 2497/CHHVN-CTHH ngày 21/6/2016 của Cục Hàng hải Việt Nam về việc hướng dẫn, khai thác tuyến luồng hàng hải vào bến cảng và kết quả tại Hồ sơ kiểm định nâng cấp cầu cảng, phương án khai thác cầu cảng kèm theo các Quyết định công bố cầu cảng, điều kiện thực tế để tính toán chấp thuận cho các tàu có trọng tải toàn phần lớn hơn 50.000 DWT giảm tải vào, rời cảng.
Qua tìm hiểu các doanh nghiệp cảng Nghi Sơn được biết, thực tế bến cảng tổng Nghi Sơn có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 60.000-70.000 DWT giảm tải ra vào cảng, điều này đã được Bộ GTVT đang hướng dẫn thực hiện tại Văn bản số 6673/BGTVT-KCHT ngày 20/6/2017 “V/v chủ trương nghiên cứu tiếp nhận tàu trọng tải 70.000 DWT tại bến số 3 và tiếp nhận tàu trọng tải 60.000 DWT giảm tải tại bến số 5 thuộc Bến cảng tổng hợp Nghi Sơn”.
Từ chỉ đạo này, căn cứ vào các quy định của pháp luật và thực tiễn tại khu vực Cảng tổng hợp Nghi Sơn có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 60.000-70.000 DWT ra vào cảng. Trong thời gian vừa qua, Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa đã tính toán và chấp thuận cho 46 tàu có trọng tải lớn hơn 50.000 DWT giảm tải ra, vào cảng Nghi Sơn đảm bảo an toàn tuyệt đối, không xảy ra bất cứ tai nạn nào. Việc làm này đã tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cảng khai thác hiệu quả.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có công văn số 5106 ngày 11/5/2017 đề nghị Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị đơn giản hóa thủ tục cấp phép tàu có trọng tải trên 50.000 DWT ra vào Cảng Nghi Sơn, trong đó có đánh giá: “Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa đã căn cứ vào điều kiện thực tế của luồng tàu, vũng quay tàu, khu neo đậu… nên trong thời gian qua đã cho phép rất nhiều tàu có trọng tải lớn hơn 50.000 DWT ra vào Cảng Nghi Sơn luôn đảm bảo an toàn, không để xảy ra bất cứ sự cố tai nạn nào.”
Thông tin với PV VTC News, ông Lê Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, lãnh đạo tỉnh đánh giá cao sự vào cuộc thiết thực, hiệu quả của Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp vận tải biển, giúp cho tàu hàng có trọng tải lớn ra, vào cảng được thuận lợi hơn trước.
“Cảng vụ có khuyết điểm gì đâu, người ta làm tốt từ trước đến nay. Chúng tôi không phải đơn vị quản lý trực tiếp Cảng vụ, tuy nhiên hàng năm, chúng tôi vẫn tiếp xúc với các doanh nghiệp để nghe phản ánh của các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, trong đó có lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa. Đến nay, chúng tôi chưa nhận được phản ánh gì về sự phiền hà, gây khó khăn gì cho doanh nghiệp của anh Ba” – ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa nên căn cứ tình hình thực tiễn và điều kiện cụ thể về thủy triều, cơ sở hạ tầng cầu cảng và phương tiện để tạo điều kiện cho tàu trọng tải lớn ra, vào Cảng làm hàng.
Bên cạnh đó, ông Phạm Duy Mạnh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Biển tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: “Vừa qua chúng tôi có biết một số báo phản ánh sai sự thật về anh Ba do có cán bộ tiêu cực trong Cảng vụ cung cấp thông tin ra bên ngoài không đúng về anh Ba”.
Ông Phạm Duy Mạnh cho biết thêm, không chỉ Hiệp hội Vận tải Biển Thanh Hóa mà các hiệp hội vận tải biển của các địa phương khác cũng đánh giá cao vai trò của anh Ba đối với Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa và hoạt động vận tải biển tại Thanh Hóa trong thời gian vừa qua.
Qua 2 sự việc nêu trên, ông Đặng Văn Ba mong muốn các cơ quan báo chí và các cơ quan hữu quan cần có cái nhìn tổng thể để đánh giá một cách khách quan trên tinh thần xây dựng, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có phát triển được thì đất nước mới phát triển.
Bình luận