Để bù đắp cho những khoảng trống do căng thẳng thương mại với Washington gây ra, Bắc Kinh đang tìm hướng đi mới trong cách tiếp cận các doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, nước này cam kết tiếp tục mở cửa nền kinh tế trong nước đối với các nhà đầu tư.
Trung Quốc đang nỗ lực mời gọi các công ty Mỹ và châu Âu tiếp tục và mở rộng hoạt động kinh doanh của họ ở nước này. Động thái của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ đối địch với Washington có nguy cơ dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, có thể khiến các công ty phải chọn bên.
Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm giữ các công ty đa quốc gia ở lại nước này và thu hút các đại gia tài chính nước ngoài khác tiếp cận thị trường nội địa khổng lồ của mình. Mới đây, tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh - hội chợ thương mại trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đã đưa ra những cam kết mới mẻ cho các nhà đầu tư.
"Chúng tôi sẽ xây dựng một hệ thống tài chính cởi mở hơn. Các biện pháp được áp dụng trước đây đã mang lại thành công ban đầu khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài tham gia vào thị trường tài chính của Trung Quốc một cách có trật tự”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chen Yulu cho biết hôm 6/9.
Việc mở cửa thị trường tài chính nội địa của Trung Quốc là một trong những điều khoản chính của thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Bắc Kinh đã ký với Washington vào tháng 1 năm nay. Kể từ đó, nhiều tổ chức như các đại gia ngân hàng JP Morgan và Morgan Stanley, công ty đầu tư Vanguard và BlackRock và công ty thẻ tín dụng American Express và Mastercard, đã tiếp cận nhiều hơn với thị trường tài chính và tiêu dùng của Trung Quốc.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đổ xô vào thị trường vốn Trung Quốc, nhờ vào các chương trình “Kết nối chứng khoán và Kết nối trái phiếu”, cho phép đầu tư vào chứng khoán nội địa của Trung Quốc thông qua cửa ngõ Hong Kong.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chen Yulu cho biết, cuối tháng 7, tỷ lệ nắm giữ tài sản bằng đồng Nhân dân tệ của các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng 37% so với một năm trước đó lên 7,74 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,13 nghìn tỷ USD). Trong khi đó, theo số liệu của Shanghai Clearing House, lượng trái phiếu Trung Quốc được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào cuối tháng 8, tăng 130 tỷ Nhân dân tệ so với tháng 7.
Fang Xinghai - Phó chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), cho biết vẫn còn tiềm năng lớn để thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh cơ quan quản lý cam kết sẽ mở rộng hơn nữa chương trình “Kết nối chứng khoán”, tăng cường khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường trong nước.
Theo Fang Xinghai, hiện các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 4,69% vốn hóa thị trường chứng khoán A-share của Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với 30% các công ty nước ngoài nắm giữ tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Zhou Liang, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, cho biết Trung Quốc hoan nghênh sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài vào thị trường nội địa.
Trong báo cáo khảo sát thường niên được công bố vào tháng trước, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung thừa nhận đã có tiến bộ chung trong việc mở cửa thị trường Trung Quốc như một phần của việc thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một.
Tuy nhiên, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung cũng cảnh báo, một số công ty được khảo sát có triển vọng kinh doanh không mấy khả quan trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19. Cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo mật dữ liệu vẫn là những mối quan tâm hàng đầu của các công ty.
Bình luận