Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 5/6, có thể mang đến triển vọng hợp tác chính trị và kinh tế mới giữa hai nước trong bối cảnh cả Matxcơva và Bắc Kinh đang là mục tiêu "tấn công" của Washington, các chuyên gia Nga và Trung Quốc cho biết, theo Tass.
Theo Vladimir Petrovksy, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Dự báo Quan hệ Nga-Trung của Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh đã đạt đến mức cao. "Chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Matxcơva và St. Petersburg mang đến một cơ hội rất tốt để đánh giá lịch sử và tình trạng hiện tại cũng như tương lai của mối quan hệ Nga-Trung", chuyên gia Petrovksy nói.
Theo ông Petrovsky, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc đang căng thẳng. "Nó tạo ra một bầu không khí tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu và các nhà lãnh đạo của chúng tôi chắc chắn sẽ thảo luận về tình hình này", chuyên gia Nga nói. Theo ông, các chính sách hiếu chiến của Mỹ mang lại cho Nga và Trung Quốc "một cái cớ để tập trung vào các nỗ lực điều chỉnh chính sách đối ngoại và kinh tế của họ".
Tuy nhiên, ông không tin rằng "chính sách của ông Trump có thể thúc đẩy Nga và Trung Quốc thành lập một liên minh nào đó để chống lại Washington."
"Một mặt, nó sẽ đi ngược lại bản chất của quan hệ Nga-Trung, không nhằm chống lại nước thứ ba, mặt khác, chính quyền Trump sẽ không ở đó mãi mãi và liệu ông Trump có tái đắc cử cho nhiệm kỳ thứ hai không vẫn là một câu hỏi. Tuy nhiên, có rất nhiều điều phải suy nghĩ vì Nga và Trung Quốc ở cùng một vị trí: Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực thương mại và kinh tế nghiêm trọng từ Mỹ và Nga phải đối phó với áp lực trừng phạt", ông Petrovsky nói. "Điều đó tạo cho chúng tôi một lý do để tăng cường phối hợp," chuyên gia này nói thêm.
Phó trưởng phòng Chính sách đối ngoại của Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, Li Yonghui cũng có cái nhìn tích cực về quan hệ Trung- Nga. "Nga là quốc gia láng giềng quan trọng nhất theo như các chính sách của Trung Quốc," bà nói. "Trong chuyến thăm, các nhà lãnh đạo sẽ phác thảo các bước để thúc đẩy quan hệ song phương, bao gồm giải pháp để kết hợp các sáng kiến như Vành đai và Con đường của Trung Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu", chuyên gia lưu ý.
Nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Taihe, Trung Quốc và cựu Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc Cui Liru, bày tỏ suy nghĩ trước cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. "Chiến tranh thương mại là vấn đề thu hút sự chú ý của thế giới và chính Washington đã đưa ra cơ chế của cuộc chiến", ông nói thêm rằng Mỹ đã viện dẫn sự mất cân bằng thương mại để lấy cớ cho các hành động "gây hấn" của mình. "Các cuộc đàm phán đã diễn ra, nhưng ở giai đoạn hiện tại, Mỹ đang cố gắng thay đổi chiến lược", Cui Liru nhấn mạnh.
Trong khi đó, các chuyên gia Mỹ cho rằng, đã đến lúc lãnh đạo phương Tây ngừng thái độ chờ đợi với mối quan hệ Nga – Trung và tìm cách đưa ra các chiến lược ứng phó.
Chuyên gia đối ngoại Andrea Kendall-Taylor và David Shullman nói nếu Nga và Trung Quốc cùng hành động có thể ảnh hưởng lớn đến lợi ích của Mỹ, dù hai nước này không hình thành liên minh.
Hiện tại, thứ gắn kết họ là mục đích chống lại sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, mối quan tâm chung về chính trị và sự gần gũi giữa hai lãnh đạo trong việc củng cố sức mạnh trong tay họ. “Kết quả sẽ là hợp tác chặt chẽ hơn trên nhiều lĩnh vực từ điều hướng không gian đến phát triển công nghệ, thu thập thông tin và ngoại giao toàn cầu”, chuyên gia này bày tỏ.
Trong khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đình trệ, một loạt thỏa thuận kinh tế và ngoại giao giữa Nga - Trung có thể được kí kết. Trong một cuộc họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui cho biết, hai bên có khả năng sẽ ký kết các thông cáo chung đưa quan hệ lên một tầm cao mới, sau mức tăng trưởng thương mại 24,5% trong năm 2018, lên mức kỷ lục 108 tỷ USD.
Zhang cho biết, hai bên sẽ đối phó với "những thách thức bên ngoài", và bảo vệ lẫn nhau về an ninh và phát triển. "Chúng tôi kiên quyết phản đối việc sử dụng một cách có chủ ý thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ. Cố tình kích động tranh chấp thương mại là khủng bố kinh tế, bá quyền kinh tế và chủ nghĩa Sô vanh (chauvinism) kinh tế."
Bình luận