Những ngày qua liên tục xảy ra điệp khúc ùn tắc, thu xả trạm BOT tại nhiều trạm BOT dọc quốc lộ 1 từ miền Trung vào miền Nam.
Căng thẳng tại các trạm BOT ở Sóc Trăng, Cần Thơ, Quảng Nam, Bình Thuận… vẫn chưa ngớt. Người dân mong muốn chính quyền quyết liệt giải quyết dứt điểm tình trạng này, bởi nếu để kéo dài sẽ làm xấu đi hình ảnh giao thông và an ninh trật tự của đất nước.
Khổ trăm bề
Nhiều người dân sống gần những trạm thu phí BOT đang rất ngao ngán khi chứng kiến cảnh xung đột dai dẳng.
Bà Nguyễn Thị Duyên (khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), chủ quán cà phê võng sát trạm BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp, cho biết những ngày tài xế phản đối ở trạm này thì lượng khách vào quán bà nhiều hơn, buôn bán được nhiều nên cũng vui.
“Quán cà phê của tôi ngay trạm nên được nhiều người, trong đó có anh em PV báo chí chọn làm nơi đặt máy tác nghiệp và nghỉ ngơi” - bà Duyên nói.
Tuy nhiên, theo bà Duyên, nhà ngay mặt tiền đường vốn dĩ đã ồn ào nên vào những ngày tài xế phản kháng việc thu phí gây ra tiếng ồn kinh khủng. Đặc biệt mỗi lần xe không đi được, tài xế lại bóp còi inh ỏi. Vì vậy, mỗi khi họ đi qua trạm rồi thì nhiều người reo hò mừng rỡ.
“Đâu chỉ vậy, có đêm tài xế bóp còi xe đinh tai nhức óc từ 21h đến hơn 22h, chẳng ai ngủ nghỉ được. Mỗi buổi sáng ra thức dậy tôi lại tự hỏi không biết hôm nay có còn bị tra tấn bởi tiếng còi nữa không, không biết giữa tài xế với trạm có xảy ra chuyện gì nữa không” - bà Duyên kể.
Bà Duyên bày tỏ mong muốn giữa trạm BOT này và các cơ quan chức năng làm sao giải quyết ổn thỏa quyền lợi cho các tài xế, chứ đừng để xảy ra chuyện như vậy nữa cho dân được nhờ.
“Làm được như vậy là chúng tôi mừng rồi” - bà Duyên chia sẻ.
Cách nhà bà Duyên hai căn là tiệm sửa xe máy của anh Phạm Trọng Quang. Anh Quang than thở mấy ngày xảy ra kẹt xe ở trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp tiệm của anh hầu như đóng cửa, không sửa chữa gì được.
“Mất khoảng bốn, năm ngày gì đó, khi kẹt xe thì nhiều người tới đậu xe trước cửa tiệm của tôi đứng xem. Xe máy thì chạy nối đuôi nhau qua, xe de lên tiệm không được và lại thấy đông nên người ta cũng ngại vào sửa.
Một ngày trung bình tôi sửa xe được tầm 500.000-600.000 đồng. Thế mà kẹt xe từ sáng đến trưa là khỏi sửa, tôi phải ở không, tức là thất thu rồi” - anh Quang bộc bạch.
Anh Quang bảo từ ngày đặt trạm này ở đây chưa từng xảy ra như vậy. Hỏi anh mong muốn điều gì, anh nói: “Chỉ mong sao đừng để xảy ra kẹt xe như vậy nữa là tôi được yên tâm làm ăn rồi”.
Còn chủ quán cơm Tuyền Giang gần trạm thu phí BOT T2 tuyến Cần Thơ - An Giang thì phàn nàn: “Đêm qua tôi có ngủ được đâu vì họ phản ứng bấm còi suốt đêm. Lúc trước họ phản ứng nhưng không bấm còi cũng đỡ, mấy hôm nay họ bấm còi quá trời. Hễ kẹt xe là họ bấm còi, ồn kinh lắm.
Lúc nào họ phản ứng trạm thì nơi đây lộn xộn, người xe kéo lại rất đông, rất ồn ào. Tôi bán cơm tới trưa là nghỉ, khuya 3h đã phải thức dậy chuẩn bị thức ăn để sáng bán, tối tranh thủ đi ngủ sớm lấy sức nhưng họ phản ứng cả đêm không ngủ nghê gì được hết, mệt mỏi lắm. Mong sao việc này sớm được giải quyết chứ để kéo dài hoài khổ cho người dân chúng tôi lắm”.
Cha chú rể phải năn nỉ
Đầu tháng 1/2018, cảnh ùn tắc kéo dài ở trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp khiến nhiều người khổ sở. Đã có xe rước dâu từ TP.HCM về Cà Mau bị ách lại ở đây và trễ giờ giấc khiến cha chú rể phải đi năn nỉ.
Thậm chí cha chú rể phải vái cả tài xế đang cố thủ ở làn thu phí, mong điều khiển xe xích qua một bên để xe rước dâu có thể đi qua.
Một chủ nhà xe cũng bị ách ở trạm này bức xúc cho biết: “Ai làm sai thì xử lý người đó chứ chỉ vì một xe mà khiến cho hàng trăm xe khác phải bị ảnh hưởng. Nhà xe tôi chấp hành trả phí chứ không trả đâu mà phải chịu cảnh ùn ứ thế này”.
Chủ nhà xe này cho biết thêm hằng ngày chở khách đi tham quan qua đây, nay cả xe khách kẹt ở đây hàng tiếng đồng hồ như vậy làm trễ công việc làm ăn, khách rất bức xúc. Hơn nữa, trên xe có nhiều khách lớn tuổi, lỡ có chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm.
“Nhà nước, chủ đầu tư phải đứng ra xử lý cho ổn thỏa chứ để như vậy hoài sao được” - chủ nhà xe đề nghị.
Tìm giải pháp tháo gỡ “điểm nóng”
Cuối giờ chiều 15/1, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Trần Văn Chuyện, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết vấn đề tại trạm thu phí BOT Sóc Trăng hiện tỉnh đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Vừa qua, khi tình hình căng thẳng xảy ra tại trạm thu giá BOT Sóc Trăng, tỉnh cũng đã có báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT. Trong đó có đề nghị xem xét cho tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu giá BOT Sóc Trăng trong thời gian rà soát, giải quyết việc miễn, giảm giá vé tại trạm này.
Tuy nhiên, phía Tổng cục và Bộ không thống nhất và phía BOT cũng không đồng thuận, do đó địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến. Bởi vấn đề này không riêng trường hợp của Sóc Trăng mà còn là các trạm thu giá BOT các địa phương khác trong cả nước” - ông Trần Văn Chuyện nói.
Khi PV hỏi: Vừa qua, phản ánh với báo chí, trợ lý lãnh đạo đơn vị đầu tư BOT Sóc Trăng tỏ ý trách khi cho rằng họ “cô đơn” khi xảy ra tình trạng tài xế, doanh nghiệp phản ứng trạm, ông Trần Văn Chuyện trả lời: Địa phương hỗ trợ và phối hợp để làm hết chức trách của mình với nhà đầu tư trong thời gian vừa qua cũng như thời gian tới. Qua đó nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông.
“Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, nếu xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông thì địa phương xử lý, kiềm chế để đảm bảo tình hình ở khu vực trạm” - ông Trần Văn Chuyện nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp để nghe Sở GTVT tỉnh báo cáo tình hình xảy ra tại trạm BOT Sông Phan trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam.
Tin từ UBND tỉnh cho biết sau khi nghe báo cáo, tỉnh sẽ tiếp tục bàn bạc, thống nhất tìm giải pháp tháo gỡ “điểm nóng” Sông Phan.
Hiện Bộ GTVT đã thống nhất giảm giá vé qua trạm BOT Sông Phan cho người dân sống lân cận trạm trong bán kính 5 km với tỉ lệ 50% cho xe cá nhân và 40% cho các phương tiện kinh doanh khác.
Tuy nhiên, hiện nay người dân địa phương chưa đồng tình phương án này mà yêu cầu miễn, giảm giống như trạm BOT Cà Ná, Ninh Thuận trên quốc lộ 1. Cụ thể trạm này miễn 100% cho xe cá nhân, 50% cho phương tiện khác trong bán kính 10 km…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, cho biết thêm Sở đang xem xét kiến nghị của người dân, phản ánh của báo chí và những văn bản liên quan của Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT...
Qua đó để có báo cáo toàn diện cho lãnh đạo tỉnh về tình hình của trạm BOT Sông Phan kể cả trạm BOT Km 1661+600 quốc lộ 1 nằm trên địa bàn huyện Bắc Bình, Bình Thuận.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 15/1, Chi nhánh BOT Sông Phan có thông báo sẽ giảm giá vé cho các phương tiện quanh khu vực trạm thu giá này gồm các xã như Hàm Cường, Hàm Minh và khu phố Nam Tân, thị trấn Thuận Nam từ ngày 16/1.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại nhiều trạm BOT cho thấy dù các chủ đầu tư, chính quyền địa phương và Bộ GTVT đã áp dụng các biện pháp như giảm giá vé, miễn phí nhưng căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy đây chưa phải là các giải pháp hữu hiệu.
Do vậy cần tiếp cận một hệ thống và giải quyết vấn đề căn cơ thay vì đối phó tình thế. Chỉ khi có một giải pháp tổng thể, khắc phục triệt để câu chuyện BOT thì mới giảm thiểu được bất ổn.
Video: Sóc Trăng đề nghị xả trạm BOT có thời hạn
* TS LƯU BÍCH HỒ, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT:
Cần xử lý ngay
Cần khẳng định BOT không có gì xấu. Nước ta thời gian qua đã có phong trào làm BOT đồng khởi, đồng loạt. Trong mấy năm đã có mấy chục dự án công trình đường bộ triển khai làm theo hình thức BOT. Kết quả có mặt tích cực, đáng ghi nhận, góp phần phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước. Đồng thời cũng tạo ra một số mặt hạn chế, tiêu cực, lộn xộn, tranh chấp.
Nguyên nhân có nhiều, cần được xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện. Đây là việc rất cần được làm ngay, làm với tất cả dự án công trình đã có, đã hoàn thành hoặc đang dở dang chứ không chỉ làm với một ít dự án đang thấy có vấn đề trục trặc. Từ đó cần đưa ra các thể chế, quy chế, cơ chế cần thiết để hoàn thiện việc quản lý hiện hành và tiếp tục triển khai các dự án đang làm và sẽ làm.
Xin nhấn mạnh đây là một hệ thống các vấn đề cần xử lý đúng, hợp lý: Từ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chủ trương đến gọi vốn, đàm phán, luận chứng, thiết kế, quyết định, phê duyệt, triển khai thực hiện, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nghiệm thu, xử lý sai sót, vi phạm… Tất cả đều phải làm theo đúng quy định. Phải công khai, minh bạch trong từng khâu.
Đặc biệt phải xử lý hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người dân và Nhà nước, phù hợp với từng vùng, từng dự án công trình trên các địa bàn có những điều kiện cụ thể khác nhau. Rất chú ý chống lợi ích nhóm, tư túi, làm thiệt hại lợi ích của cả người dân và Nhà nước. Một vấn đề cụ thể rất quan trọng là cần sớm áp dụng các hình thức phương pháp thu phí tự động, tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai bên thu phí và nộp phí.
Từ phân tích trên cũng cho thấy những giải pháp đang thực hiện ở BOT Cai Lậy và một số trạm khác chỉ là tạm thời, chưa cơ bản cho toàn bộ vấn đề này. Trong khi chưa giải quyết được tốt các vấn đề nảy sinh ở các trạm BOT, giới tài xế và nhân dân nên có thái độ bình tĩnh, hợp tác chứ không chống đối cực đoan, gây căng thẳng, xung đột tại các trạm BOT. Cát đổ vào lửa chứ không đổ lửa vào cát, dù là cát bùn. Vấn đề nóng không thể xử lý bằng giải pháp nóng hơn, cực đoan, vì không hiệu quả cho các bên.
Các tài xế có thể thông qua các hiệp hội nghiệp đoàn hoặc liên kết tập thể, nhân dân thông qua chính quyền địa phương trực tiếp đề xuất kiến nghị, đấu tranh, kể cả khiếu kiện theo quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương khi có chuyện này cần lập tức phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết ngay, kể cả việc tạm dừng thu phí…
* Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC, Phó Trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ):
Xem xét mối quan hệ nhân quả
Vừa qua báo chí có đưa tin về việc các tài xế phản ứng quá khích, bẻ thanh chắn. Theo quy định, nếu muốn xử lý tài xế tội hủy hoại tài sản thì như đã nói các cơ quan cũng phải xem xét đến mối quan hệ nhân quả, nguyên nhân xuất phát từ đâu.
Và khi xử lý thì cũng phải xem xét đến mức độ hành vi, để xử lý hình sự thì cơ quan chức năng cần phải giám định tài sản thiệt hại như thế nào. Pháp luật có quy định hủy hoại tài sản ở mức nào mới bị xử lý hình sự, nếu không chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính.
Đối với trường hợp BOT đã xả trạm mà các tài xế vẫn cố tình không qua gây ùn tắc, kẹt xe thì lúc này CSGT có thể vào cuộc xử lý hành vi cản trở giao thông. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét đây có phải là con đường lưu thông duy nhất hay không, có gây ùn tắc, mất trật tự, an toàn giao thông không.
Đó là trên cơ sở pháp luật. Còn đứng trên tư cách cá nhân, trong việc này tôi nghĩ các cơ quan chức năng nên chỉ áp dụng biện pháp nhắc nhở hoặc xử lý hành chính các hành vi vi phạm. Vì suy cho cùng việc các tài xế phản ứng là do có sai phạm ở hàng loạt dự án BOT mà gần đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu rà soát lại các dự án BOT.
Bình luận