Theo Timothy Hawkins, người phát ngôn Hạm đội 5 của hải quân Mỹ, sáng kiến Cơ chế An ninh Hàng hải Quốc tế (IMSC) “thông báo cho tàu hàng trong khu vực về các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giảm thiểu nguy cơ bị bắt giữ trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang”.
“Các tàu đang được khuyên nên quá cảnh càng xa lãnh hải Iran càng tốt", người phát ngôn Hạm đội 5 của hải quân Mỹ cho hay.
Sáng kiến Cơ chế An ninh Hàng hải Quốc tế (IMSC) do Mỹ dẫn đầu, được triển khai từ năm 2019 nhằm hộ tống tàu hàng đi qua các vùng biển ở Trung Đông, đặc biệt là eo biển Hormuz gần Iran, nơi thường diễn ra các vụ bắt tàu nước ngoài.
Đầu năm nay, Washington cũng đưa ra cảnh báo tương tự với tàu hàng hoạt động trong Vùng Vịnh, sau khi Iran bắt hai tàu chở dầu gần eo biển Hormuz.
Tương tự IMSC, Tổ chức Nhận thức Hàng hải châu Âu ở eo biển Hormuz, khuôn khổ giám sát vận tải biển do Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu, cũng phát cảnh báo nguy cơ tàu hàng có thể bị bắt ở khu vực này trong thời gian tới.
“Trước đây, sau khi cảnh báo tương tự được đưa ra, một tàu buôn đã bị chính quyền Iran bắt giữ”, hãng tư vấn an ninh tư nhân Ambrey cho hay.
Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman. Đây là cửa ngõ Vùng Vịnh và Ấn Độ Dương. Khoảng 1/5 sản lượng dầu thô và sản phẩm hóa dầu của thế giới đi qua eo biển này, biến khu vực thành một trong những huyết mạch hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Hồi tháng 4 và tháng 5, Iran bắt một số tàu dầu đi qua eo biển Hormuz với cáo buộc vi phạm pháp luật nước này. Các vụ bắt tàu diễn ra liên tiếp đã thúc đẩy Mỹ tăng cường hiện diện hải quân và lính thủy đánh bộ ở khu vực.
Mới đây, Mỹ thông báo triển khai 3.000 binh sĩ cùng 2 tàu chiến (tàu tấn công đổ bộ USS Bataan và tàu đổ bộ USS Carter Hall) tới Trung Đông sau khi Iran tuyên bố trang bị thêm hàng loạt vũ khí mới cho lực lượng hải quân.
Động thái của Mỹ diễn ra vài ngày sau khi Iran tuyên bố đã trang bị cho hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) các máy bay không người lái (UAV) và tên lửa có tầm bắn lên đến 1.000 km.
Iran nhiều lần tố Mỹ cố ý làm leo thang căng thẳng bằng các hoạt động quân sự thường xuyên quanh vịnh Ba Tư.
Bình luận