• Zalo

Căng thẳng học tập, bé 9 tuổi nhổ tóc không kiểm soát

Giáo dụcThứ Năm, 14/11/2019 15:16:00 +07:00Google News

Theo các chuyên gia tâm lý, áp lực học tập đôi khi là nỗi ám ảnh quá sức chịu đựng, khiến trẻ tự làm tổn thương mình mà không biết.

Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Quý Quỳnh, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, một số thái độ vô tình của phụ huynh như so sánh trẻ với “con nhà người ta”, kể về thành tích học của bản thân, tìm các lò đào tạo “thần đồng”, thậm chí dọa cho nghỉ nếu trẻ không học tốt, dễ khiến con cảm thấy tự ti về bản thân, sợ hãi việc học.

Bứt trụi tóc vì sợ học không giỏi

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quý Quỳnh cho biết mới đây, một bé gái 9 tuổi, đang học lớp 5, được mẹ đưa đến khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2, vì liên tục tự nhổ tóc khoảng một tháng gần đây.

Bệnh nhi không khóc nhiều nhưng qua tiếp xúc, chuyên viên tâm lý có thể cảm nhận được sự kìm nén cảm xúc trong em.

Mẹ là người đưa em đến khám nhưng chính bản thân người phụ nữ này cũng không biết con mình đang gặp phải vấn đề gì, tại sao lại có nhiều nỗi buồn trong lòng đến vậy. Can thiệp trị liệu tâm lý là việc cần làm trước tiên.

Buổi gặp thứ hai diễn ra sau đó một tháng và theo như lời người mẹ, em luôn nôn nóng muốn gặp chuyên viên tâm lý.

Phần tóc bị nhổ lúc trước đã mọc thêm nhưng em vẫn buồn. Lần này, em mới chịu thú nhận mình đang bị căng thẳng trong việc học, nhất là môn tiếng Anh. Tuy nhiên, trắc nghiệm chỉ số IQ ghi nhận em có sức học tốt, mẹ em cũng nói rằng trước đó bài kiểm tra tiếng Anh của em đạt 10 điểm.

“Chỉ khi nhận được kết quả IQ và được nghe chuyên gia phân tích kết quả em mới thở phào nhẹ nhõm và nét mặt tươi vui trở lại. Hóa ra là từ trước đến nay, em luôn lo lắng mình học không được, học không giỏi bằng bạn, nhất là trong lớp cuối cấp tiểu học này”, chuyên viên Quý Quỳnh cho biết.

hoctap

Áp lực và kỳ vọng quá lớn của cha mẹ dễ khiến trẻ cảm thấy tự ti về bản thân, sợ hãi việc học. (Ảnh minh họa)

Nên lắng nghe và đừng áp đặt con cái

Theo chuyên viên Quý Quỳnh, câu chuyện trên cho ta thấy để trẻ mạnh dạn chia sẻ khó khăn, phụ huynh cần tạo dựng lòng tin cho con ngay từ khi còn nhỏ.

Với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo và đầu tiểu học, phụ huynh hãy lắng nghe con trên tinh thần liên tục động viên và khích lệ. Khi đó, trẻ mới cảm nhận được bờ vai nương tựa mỗi khi sai lầm. Thực tế, đứa trẻ nào trong thâm tâm cũng muốn mình làm được việc và mình là niềm tự hào của cha mẹ.

Giai đoạn lớp 2-3, trẻ vẫn luôn cần sự nâng đỡ tâm lý và sự tin tưởng của cha mẹ. Nếu chẳng may trẻ không theo kịp bạn bè, trước khi kết luận về sức học của con, phụ huynh nên nghĩ đến việc đưa bé đến khám tâm lý hoặc thực hiện các thực nghiệm trí tuệ để nhận định nguyên nhân.

Một số thái độ vô tình của phụ huynh có thể làm cho trẻ ngại chia sẻ khó khăn, như so sánh trẻ với “con nhà người ta”, kể về thành tích học của bản thân trước đây, hỏi thăm những phụ huynh khác về các “lò luyện” hay cách thức đào tạo “thần đồng”. Thậm chí, một số phụ huynh còn dọa cho nghỉ học nếu trẻ không đạt thành tích tốt. Những thái độ này càng khiến trẻ suy nghĩ và cảm thấy tự ti, sợ hãi, lo lắng việc học.

“Phương pháp lắng nghe tích cực và cùng trẻ tìm hướng giải quyết trong sự ôn hòa là tiêu chí quan trọng hàng đầu nếu phụ huynh muốn con có thể chia sẻ với mình những gì đang diễn ra trong suy nghĩ của chúng”, chuyên viên Quý Quỳnh nhấn mạnh.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn