• Zalo

Căng thẳng Belarus–châu Âu tiếp tục leo thang: Cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 12/11/2021 15:42:43 +07:00Google News
(VTC News) -

Nguy cơ xung đột quân sự được cảnh báo khi các nước điều động hàng nghìn binh sĩ tới biên giới Belarus, trong khi Nga điều máy bay ném bom giám sát tình hình.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp kín; Quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel phải điện đàm tới hai lần với Tổng thống Nga Putin song cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới Belarus với các nước châu Âu vẫn chưa thể hạ nhiệt; thậm chí còn đang leo thang với những cáo buộc “gay gắt”, đổ lỗi cho nhau về tình hình “đáng quan ngại” hiện nay.

Nguy xung đột quân sự cũng được cảnh báo khi các nước điều động hàng nghìn binh sĩ quân đội tới biên giới Belarus, trong khi Nga điều máy bay ném bom giám sát tình hình.

Căng thẳng Belarus–châu Âu tiếp tục leo thang: Cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự - 1

Binh sĩ Ba Lan canh gác tại khu vực biên giới Ba Lan-Belarus gần làng Kuznica (Ba Lan) hôm 11/11. (Ảnh: Reuters)

Một màn đấu khẩu giữa Nga và các nước phương Tây đã xảy ra tại phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề người di cư tại biên giới Belarus ngày hôm qua (11/11).

Tại phiên họp, các nước EU nhắc lại cáo buộc rằng Belarus đang sử dụng người di cư như một quân bài chính trị, gây sức ép với EU gỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến vấn đề nhân quyền.

Đại sứ của Estonia tại Liên Hợp Quốc Sven Jurgenson cho biết: “Chúng tôi, các thành viên Liên minh châu Âu tại Hội đồng Bảo An, cùng với Anh và Mỹ lên án việc Belarus dàn dựng, sử dụng con người vì các mục đích chính trị, với mục tiêu gây bất ổn cho các nước láng giềng và biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu và chuyển hướng chú ý khỏi những vi phạm nhân quyền ngày càng gia tăng tại quốc gia này”.

Các đại diện của châu Âu tại Liên Hợp Quốc cho rằng, chính quyền hiện tại ở Belarus đang chứng tỏ là một mối đe dọa của EU và nước này phải chịu trách nhiệm. Trong khi, Bộ Quốc phòng các nước Litva, Estonia và Latvia nhận định, sự khiêu khích hiện nay của Belarus có thể lan rộng và biến thành một đối đầu quân sự. Hiện NATO và các nước châu Âu láng giềng của Belarus, bao gồm cả Ukraine đã tăng cường triển khai binh sĩ tới biên giới Belarus với lý do ngăn chặn người di cư.

Các nước châu Âu bày tỏ tình đoàn kết với Ba Lan, Litva và Latvia trong vấn đề căng thẳng về người di cư với Belarus; khẳng định sẵn sàng tính đến các bước đi tiếp theo.

Tuy nhiên, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy cho rằng các nước phương Tây “có khuynh hướng suy diễn” và bác bỏ việc Nga hay Belarus giúp đưa người di cư từ Trung Đông, châu Phi hay Afghanistan đến biên giới của các nước châu Âu

Một lần nữa, ý kiến ​​cá nhân của tôi là thật đáng hổ thẹn cho những người bạn châu Âu khi nêu ra những vấn đề như thế này bởi vì họ phơi bày  tiêu chuẩn kép và hoàn toàn có động cơ chính trị sai lầm đối với cuộc khủng hoảng di cư. Nhưng tất nhiên là tùy thuộc vào họ. Tôi không biết liệu họ có tự suy diễn hay không. Tôi thực sự bắt đầu nghi ngờ điều đó”, ông Dmitry Polyanskiy nói.

Về phần mình, ngay từ khi căng thẳng vấn đề người di cư bùng phát từ hôm 8/11 vừa qua, Belarus luôn bác bỏ các cáo buộc từ các nước phương Tây, cho rằng nước này sử dụng vấn đề người di cư để gây sức ép. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng chỉ trích các nước phương Tây đóng cửa biên giới, ngăn người di cư tạo ra khủng hoảng và điều số lượng lớn binh sĩ và khi tài quân sự tới sát nước này mà “không báo trước”.

Ông Alexander Lukashenko tuyên bố: “Tôi cần thông báo cho các cơ quan đảm bảo việc giám sát các hoạt động của NATO và Ba Lan gần biên giới của chúng ta. 15.000 binh sĩ, xe tăng, máy bay ném bom, trực thăng và máy bay đã được họ huy động. Họ đã làm điều đó một cách trắng trợn, không một lời nói”.

Belarus cũng đã đề nghị Nga giúp giám sát tình hình biên giới của nước này và điều 2 máy bay ném bom chiến lược tới Belarus. Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống Alexander Lukashenko còn cảnh báo sẽ ngăn dòng chảy khí đốt tới châu Âu trung chuyển qua nước này nếu EU mở rộng trừng phạt nước này. Nếu điều đó xảy ra, cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu Âu nguy cơ nghiêm trọng hơn, trong bối cảnh mùa đông giá lạnh tới gần.

Đình Nam(VOV1)
Bình luận