• Zalo

Cần xử lý triệt để tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH

Đời sốngThứ Hai, 02/10/2023 16:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thực tế cho thấy, ngoài những doanh nghiệp thực hiện tốt thì vẫn có những doanh nghiệp cố tình chậm thậm chí là trốn đóng BHXH cho người lao động.

Theo Luật BHXH hiện hành, doanh nghiệp ngoài nghĩa vụ đóng BHXH cho từng người lao động theo tỷ lệ 18%, còn phải trích trừ từ tiền lương của người lao động theo tỷ lệ (8%) để đóng giúp người lao động và phải đóng hằng tháng vào quỹ BHXH theo luật định.

Đây là căn cứ để cơ quan BHXH giải quyết chính sách ngắn hạn (ốm đau, thai sản) và dài hạn (hưu trí, tử tuất) đối với người lao động theo quy định của pháp luật. Như vậy, về mặt thời gian, quá một tháng mà doanh nghiệp chưa đóng BHXH sẽ được xác định là chậm đóng.

Thực tế cho thấy, có doanh nghiệp chậm đóng vài ba tháng, có doanh nghiệp chậm đóng đến 9 tháng, thậm chí có doanh nghiệp chậm đóng nhiều hơn 9 tháng.

Ngành BHXH Thừa Thiên - Huế từng thanh tra việc chậm đóng BHXH tại nhiều doanh nghiệp tại địa phương. (Ảnh: TT)

Ngành BHXH Thừa Thiên - Huế từng thanh tra việc chậm đóng BHXH tại nhiều doanh nghiệp tại địa phương. (Ảnh: TT)

Đáng nói, trong thời gian chậm đóng BHXH, doang nghiệp vẫn trích trừ 8% tiền tự đóng từ lương của người lao động nhưng lại không chuyển đóng vào quỹ BHXH. Thế nhưng, do doanh nghiệp chậm đóng, nên khi người lao động phát sinh nhu cầu giải quyết các chế độ, thì cơ quan BHXH không đủ căn cứ để giải quyết, dẫn đến bức xúc trong người lao động.

Tính riêng Thừa Thiên - Huế, theo BHXH tỉnh này, đến ngày 20/9 toàn tỉnh tỉnh, có gần 3.000 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hơn 255 tỷ đồng. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn người lao động tại địa phương.

Thời gian qua, nhiều công nhân do bị ốm đau phải vào viện hoặc nghỉ việc giữa chừng khi đến cơ quan BHXH để làm thủ tục nhận bảo hiểm thì mới biết được, lâu nay chủ sử dụng lao động đã không đóng bảo hiểm cho họ. Trong khi đó, hàng tháng, tiền đóng bảo hiểm của nhiều công nhân đã được chủ sử dụng lao động trừ vào tiền lương… Thực tế này đã khiến nhiều công nhân, người lao động bức xúc.

Trong ngày 20/9, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức thanh tra tại Công ty CP May mặc xuất khẩu Impulse Fashion Tae Hee (viết tắt là Công ty) đóng tại KCN Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) - là một trong những doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động. Công ty được thành lập từ tháng 11/2021 với số lượng lao động hơn 550 người. Thời gian qua, Công ty gặp một số khó khăn về đơn hàng nên nợ 3 tháng BHXH với tổng số tiền nợ hơn 2,7 tỷ đồng.

Sau khi BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố Quyết định về việc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT thì hiện, Công ty đã chuyển trả đủ số tiền nợ. Đồng thời, cam kết sẽ trả số tiền BHXH các tháng tới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như tuân thủ các quy định của cơ quan BHXH.

Nhằm góp phần đảm bảo quyền lợi người lao động, trong tháng 9/2023, BHXH tỉnh tiến hành thanh tra 12 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị thanh tra gồm: Công ty CP Xây dựng 26, Công ty CP Thiên An, Công ty CP Hàng không lữ hành Việt Nam, Công ty CP Trường Phú…

Hay tại Quảng Trị, tháng 8/2023, UBND tỉnh này xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thái Nhật Vinh có địa chỉ tại 152 Lý Thường Kiệt, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vì đã có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN. Tính đến ngày 30/6/2023, Công ty này chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN với số tiền 265.143.861 đồng. Tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính ngày 07/8/2023, số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN tính đến ngày 31/7/2023 là 266.216.361 đồng. Số tiền này chưa bao gồm tiền lãi chậm đóng.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thái Nhật Vinh còn có hành vi chậm đóng tiền BHYT. Tính đến ngày 30/6/2023, Công ty này chậm đóng tiền BHYT đối với 01 người lao động với số tiền 43.049.986 đồng (chưa bao gồm tiền lãi chậm đóng). Tại thời điểm lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, Công ty chậm đóng BHYT đối với 01 người lao động với số tiền 43.225.486 đồng (chưa bao gồm tiền lãi chậm đóng). 

Căn cứ các hành vi vi phạm hành chính nêu trên, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thái Nhật Vinh bằng hình thức phạt tiền với số tiền phạt là 75.878.417 đồng. Đồng thời, buộc Công ty này đóng đủ số tiền BHXH, BHTN phải đóng cho cơ quan BHXH tính đến ngày 31/7/2023 là 266.216.361 đồng. 

Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thái Nhật Vinh phải nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính đến ngày 31/7/2023 là 30.303.679 đồng theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thái Nhật Vinh phải nộp số tiền phạt vào tài khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính của tỉnh theo quy định.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần công trình 793 có trụ sở tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vì đã có hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 165 triệu đồng. Đồng thời, buộc Công ty này phải nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính đến hết ngày 30/6/2023 với số tiền 699.856.172 đồng theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia, xét khía cạnh pháp lý, việc doanh nghiệp không đóng khoản 8% trích trừ từ lương của người lao động chính là chiếm dụng tiền của người lao động.

Do đó, thời gian chậm đóng càng dài thì số tiền doanh nghiệp chiếm dụng càng lớn. Thực tế cho thấy, trong 9 tháng chậm đóng, có doanh nghiệp chiếm dụng khoản tiền người lao động tự đóng lên tới hơn 6 tỷ đồng, thậm chí có doang gần 10 tỷ đồng (tùy số lượng và mức đóng của từng người lao động. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, Luật BHXH (sửa đổi) sắp tới nên quy định rõ chậm đóng trong thời gian bao nhiêu tháng sẽ xác định là hành vi trốn đóng…

Thực tế cho thấy, ngoài những doanh nghiệp thực hiện tốt thì vẫn có những doanh nghiệp cố tình chậm thậm chí là trốn đóng BHXH cho người lao động. (Ảnh: Quang Tám)

Thực tế cho thấy, ngoài những doanh nghiệp thực hiện tốt thì vẫn có những doanh nghiệp cố tình chậm thậm chí là trốn đóng BHXH cho người lao động. (Ảnh: Quang Tám)

Thực tế cũng cho thấy, doang nghiệp gặp khó khăn là chuyện không tránh khỏi theo quy luật kinh tế. Do đó, ở góc độ kinh tế vĩ mô, gia cố sức chịu đựng của doanh nghiệp trong lúc khó khăn là chuyện mà Chính phủ- thông qua Ngân hàng nhà nước và các bộ, ngành liên quan, đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm.

Doanh nghiệp đã thụ hưởng nhiều chính sách chung, đã được gia cố sức chịu đựng, nên chu toàn nghĩa vụ tham gia lưới an sinh cho người lao động là chuyện phải làm. Vì thế, chậm đóng Bảo hiểm xã hội - nghĩa là doanh nghiệp vừa trực tiếp chiếm dụng tiền của người lao động vừa trực tiếp gây tổn thương cho người lao động khi muốn giải quyết các chế độ.

Doanh nghiệp chậm đóng BHXH vài ba tháng, người lao động có thể chịu đựng như một cách cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Song, chậm đóng đến 9 tháng hoặc hơn, thì một lao động nữ đã đủ thời gian sinh con nếu mang thai. Khi đó, cuộc vượt cạn sẽ vắng bóng cái “ô an sinh”, cả mẹ và bé đều bị ảnh hưởng. Do vậy, chậm đóng và trốn đóng BHXH là chuyện các nhà làm luật cần khẩn trương tính đến, để có giải pháp xử lý triệt để.

NGUYỄN VƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn