• Zalo

Giám đốc BHXH Thừa Thiên - Huế chia sẻ giải pháp hạn chế rút BHXH một lần

Đời sốngChủ Nhật, 10/12/2023 12:09:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ông Nguyễn Viết Dũng - Giám đốc BHXH Thừa Thiên - Huế có những chia sẻ liên quan đến số người đề nghị hưởng BHXH một lần trong năm 2023 tăng đột biến.

Theo Giám đốc BHXH Thừa Thiên - Huế, đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 12.000 người rút BHXH một lần, tăng hơn 4.100 người so với cùng kỳ năm trước.

Việc rút BHXH một lần sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho người lao động vì họ sẽ rất thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống an sinh này. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến người lao động rút BHXH một lần, trong đó một phần từ phía đơn vị sử dụng lao động.

Ông Nguyễn Viết Dũng - Giám đốc BHXH Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: BTTH)

Ông Nguyễn Viết Dũng - Giám đốc BHXH Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: BTTH)

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lao động phải nghỉ việc và không ít người trong số đó chưa có cơ hội trở lại làm việc sau 1 năm nên đề nghị hưởng BHXH một lần.

Mặt khác, một số đơn vị sử dụng lao động còn thiếu quan tâm đến quyền lợi của người lao động như tham gia BHXH cho người lao động ở mức tiền lương thấp, không đóng tiền BHXH hoặc đóng chậm, “cắt giảm” công nhân nhiều tuổi… dẫn đến tình trạng người lao động khó tìm kiếm được việc làm, không gắn bó lâu dài với chính sách BHXH.

Trước việc số người đề nghị hưởng BHXH một lần trong năm 2023 tăng đột biến, ngành BHXH Thừa Thiên - Huế có đề xuất triển khai một số giải pháp như doanh nghiệp có thể dừng khoản đóng góp vào quỹ hưu trí, tử tuất và lấy số tiền được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đó để xử lý những khó khăn trước mắt.

Thời gian qua, ngành BHXH Thừa Thiên - Huế thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế rút BHXH một lần. (Ảnh: Thục Trinh)

Thời gian qua, ngành BHXH Thừa Thiên - Huế thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế rút BHXH một lần. (Ảnh: Thục Trinh)

Tuy nhiên, các khoản đóng cho các chế độ ngắn hạn vẫn phải đóng nộp đầy đủ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đây là cơ chế hỗ trợ theo quy định của luật, nhưng cũng giúp doanh nghiệp giữ được số lao động và có nguồn vốn phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình. 

Giải pháp nữa là, đẩy mạnh tuyên truyền giúp người lao động hiểu rõ về những thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống an sinh của Đảng và Nhà nước. Ngoài việc tư vấn trực tiếp với người dân tới làm thủ tục tại bộ phận một cửa, thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách bảo hiểm; tổ chức các phiên làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp chậm đóng; cùng với doanh nghiệp xây dựng lộ trình cam kết chuyển trả số tiền chậm đóng.

Giám đốc BHXH Thừa Thiên - Huế cho rằng, số người hưởng BHXH một lần nhiều và có xu hướng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động cũng như nỗ lực hướng tới “mục tiêu BHXH toàn dân”.

Trong đó có một phần của ngành Lao động Thương binh và Xã hội. Để hạn chế tình trạng này, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cần có sự phối hợp với BHXH đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nói chung và BHXH một lần nói riêng nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

Thời gian tới, Liên Đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, tìm kiếm các đối tác tín dụng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động, nhất là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, tiếp tục đồng hành với người sử dụng lao động trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả các hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

Ngành BHXH Thừa Thiên - Huế cũng luôn tham mưu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)

Ngành BHXH Thừa Thiên - Huế cũng luôn tham mưu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)

Đồng thời, cần có sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách BHTN. Nếu thực hiện tốt chính sách BHTN cũng sẽ giải quyết được một phần bài toán về tài chính ngắn hạn để người lao động có thể yên tâm và ổn định cuộc sống, thay vì tìm đến BHXH một lần như là giải pháp để vượt qua tình trạng khó khăn tài chính trước mắt.

"Chúng tôi linh động thực hiện rất nhiều giải pháp để thực hiện vấn đề tiếp tục thu hút người lao động tham gia BHXH. Trong đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân trong việc phối hợp tổ chức thực hiện tốt chính sách, chế độ bảo hiểm, tăng nhanh số người tham gia BHXH, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng hàng năm.

Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền thông qua việc truyền thông, vận động trực tiếp tại bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện; qua hệ thống Cổng Thông tin điện tử/Fanpage Facebook/ Zalo OA; tổ chức các hội nghị, các buổi tọa đàm, đối thoại với NLĐ tại các khu công nghiệp; tăng cường tần suất phát thanh qua hệ thống truyền thanh xã, phường…"

Giám đốc BHXH Thừa Thiên - Huế cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nữa đó là tăng cường phát triển đối tượng tham gia BHXH, khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH.

Trong đó, cơ quan BHXH phối hợp cơ quan Thuế xác định số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTN theo luật định, từ đó xây dựng kế hoạch đôn đốc, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra….

Tăng cường thanh tra chuyên ngành về đóng các loại hình bảo hiểm và kiểm tra việc thực hiện các chế độ bảo hiểm theo quy định; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

BHXH Thừa Thiên - Huế cho biết, tính đến ngày 20/9 trên địa bàn tỉnh này có gần 3.000 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hơn 255 tỷ đồng. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn người lao động trên địa bàn.

Thời gian qua, nhiều công nhân do bị ốm đau phải vào viện hoặc nghỉ việc giữa chừng khi đến cơ quan BHXH để làm thủ tục nhận bảo hiểm thì mới biết được, lâu nay chủ sử dụng lao động đã không đóng bảo hiểm cho họ. Trong khi đó, hàng tháng, tiền đóng bảo hiểm của nhiều công nhân đã được chủ sử dụng lao động trừ vào tiền lương… Thực tế này đã khiến nhiều công nhân, người lao động bức xúc.

Trong ngày 20/9, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức thanh tra tại Công ty CP May mặc xuất khẩu Impulse Fashion Tae Hee (viết tắt là Công ty) đóng tại KCN Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) - là một trong những doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động. Công ty được thành lập từ tháng 11/2021 với số lượng lao động hơn 550 người. Thời gian qua, Công ty gặp một số khó khăn về đơn hàng nên nợ 3 tháng BHXH với tổng số tiền nợ hơn 2,7 tỷ đồng.

Sau khi BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố Quyết định về việc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT thì hiện, Công ty đã chuyển trả đủ số tiền nợ. Đồng thời, cam kết sẽ trả số tiền BHXH các tháng tới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như tuân thủ các quy định của cơ quan BHXH.

Nhằm góp phần đảm bảo quyền lợi người lao động, trong tháng 9/2023, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế thanh tra 12 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị thanh tra gồm: Công ty CP Xây dựng 26, Công ty CP Thiên An, Công ty CP Hàng không lữ hành Việt Nam, Công ty CP Trường Phú…

BẢO HƯNG
Bình luận
vtcnews.vn