• Zalo

Cần tạo xung lực mới

Kinh tếThứ Ba, 26/11/2013 07:21:00 +07:00Google News

(VTC News) - Sau 3 năm thực hiện 6 Thông tư liên tịch đã tạo khung pháp lý cần thiết cho việc phối hợp trao đổi thông tin về người nộp thuế giữa các Bộ, ngành.

(VTC News) - Sau hơn 3 năm thực hiện 6 Thông tư liên tịch, bước đầu đã tạo khung pháp lý cần thiết cho việc phối hợp trao đổi thông tin về người nộp thuế giữa các Bộ, ngành. Tuy nhiên, hiệu quả chưa thực sự như mong muốn.
Còn nhiều hạn chế

Tại hội nghị sơ kết thực hiện 6 Thông tư liên tịch ký kết với Bộ Tài chính về trao đổi, cung cấp thông tin về người nộp thuế phục vụ công tác quản lý nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư liên tịch đã bước đầu tạo được khung pháp lý cần thiết cho việc phối hợp trao đổi thông tin về người nộp thuế giữa các Bộ, ngành. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đáng giá, hiệu quả của Thông tư liên tịch chưa thực sự như mong muốn.
 

Ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ: "Việc thực hiện 6 Thông tư liên tịch còn hạn chế; nhiều nội dung công việc nêu trong Thông tư liên tịch chưa được triển khai, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý của ngành Tài chính trong công tác thu ngân sách…

Các Thông tư liên tịch mới chỉ dừng lại ở mức quy định về trao đổi cung cấp thông tin mà chưa quy định rõ nội dung phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ; thủ tục trao đổi thông tin giữa các bên còn rườm rà, thực hiện qua nhiều cấp, nhiều đơn vị.


"Nhu cầu trao đổi, cung cấp thông tin chủ yếu xảy ra khi phát sinh những vụ việc có tính phức tạp, phục vụ yêu cầu quản lý về Thuế, Hải quan nên việc tiếp nhận, giải quyết, cung cấp thông tin đôi khi chưa kịp thời, chưa thực sự thông thoáng, chưa thường xuyên..." - ông Nguyễn Ngọc Túc nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, danh mục thông tin trao đổi cung cấp chưa quy định cụ thể từng cơ quan cung cấp thông tin gì nên việc thực hiện bị lúng túng và không hiệu quả. Bên cạnh đó, đối với các thông tin cung cấp theo hình thức văn bản thường bị chậm so với thời gian yêu cầu.

Còn đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, việc chia sẻ thông tin mới chỉ tập trung ở cấp Trung ương, cấp địa phương hoạt động còn hình thức và chưa thường xuyên. Nhu cầu trao đổi, cung cấp thông tin chủ yếu xảy ra khi phát sinh những vụ việc có tính phức tạp, nên việc tiếp nhận, giải quyết, cung cấp thông tin đôi khi chưa kịp thời.

Như vậy, bên cạnh những việc đã làm được thì Thông tư liên tịch vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Để việc phối hợp trao đổi thông tin về người nộp thuế giữa các Bộ, ngành thực sự có hiệu quả thì cần có sự nghiêm túc thực hiện của các bộ ngành.

Giải pháp tạo xung lực mới

Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành đã thống nhất đề xuất ba giải pháp tạo xung lực mới cho công tác trao đổi thông tin liên bộ về người nộp thuế.

Thứ nhất, đề nghị Tổng cục Hải quan làm đầu mối chủ trì gấp rút thành lập ban soạn thảo sửa đổi, bố sung 6 Thông tư liên tịch trình Bộ Tài chính ngay trong tháng 11/2013, theo hướng hạn chế những quy định chung chung có tính khả thi cao.

Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết thẩm quyền, đầu mối trao đổi, cung cấp thông tin sâu rộng từ cấp Trung ương đến địa phương; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tập trung giữa các Bộ, ngành.

Thứ ba, xây dựng cơ chế tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng, tổng kết năm, nhằm đánh giá tình hình phối hợp, trao đổi kinh nghiệm chia sẻ thông tin giữa các đầu mối giữa các Bộ, ngành, tìm ra khó khăn, giải pháp cần tháo gỡ. Đồng thời, các bộ, ngành cần nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống thông tin, từ việc trao đổi thủ công tiến tới thực hiện thống nhất, chuẩn hóa trao đổi thông tin qua phương thức điện tử. Ban Quản lý rủi ro Tổng cục Hải quan sẽ là đầu mối tiếp và tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin với các Bộ, ngành.
Minh Loan
Bình luận
vtcnews.vn