• Zalo

Cắn răng giữ giá

Kinh tếThứ Sáu, 10/06/2016 06:41:00 +07:00Google News

Sau nhiều lần giá xăng tăng gần đây, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vốn chịu tác động khá lớn từ việc giá xăng dầu liên tục tăng nhưng vẫn đang cố thủ, chưa dám tính tới chuyện tăng giá hàng hóa.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 5-2016 tăng 0,54%, mức tăng mạnh nhất từ năm 2012 đến nay. Nguyên nhân được xác định một phần do giá xăng dầu tăng tác động đến nhóm giao thông vận tải. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, xăng RON 92 trong nước đã có 3 lần tăng giá với tổng mức tăng 1.560 đồng/lít và đang cao hơn 2.750 đồng/lít so với mức thấp dưới 14.000 đồng/lít thiết lập hồi giữa tháng 2-2016.

Chợ tăng giá không phải vì xăng

Ngày 9/6, đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP HCM) cho biết thông thường, sau 10 ngày giá xăng điều chỉnh mới tác động đến giá hàng hóa. Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu điều chỉnh ít thì giá bán sỉ hầu như không đổi.

Hàng hóa tại các siêu thị vẫn bình ổn dù xăng dầu liên tục tăng giá từ đầu năm đến nay Ảnh: TẤN THẠNH 

“Với đặc điểm hàng tươi sống thì yếu tố thời tiết, mùa vụ ảnh hưởng đến giá cả mạnh nhất. Ví dụ, trong thời điểm hiện nay, hầu hết các mặt hàng đều được giá do hụt nguồn cung (Lâm Đồng đang có mưa đá, các địa phương miền Tây khô hạn xâm nhập mặn). Cách đây vài ngày, cả chợ đầu mối chỉ về có 13-14 kg đậu rồng và giá lên tới 160.000 đồng/kg (ngày thường khoảng 40.000 đồng/kg). Mấy ngày qua là thời điểm Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) nên trái cây cũng hút hàng. Riêng vải tại chợ mỗi đêm về 10 container (tương đương 140 tấn) và giá thì đang rất cao, từ 510.000-520.000 đồng/thùng (20 kg) lên 650.000-670.000 đồng/thùng” - vị này nói.

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều loại thực phẩm tiêu dùng hằng ngày như: rau củ quả, trứng, đường, gạo đều tăng giá so với 1-2 tháng trước nhưng ít người đổ cho giá xăng dầu. Cụ thể, tại chợ lẻ, khổ qua, dưa leo, cải ngọt đều trên 20.000 đồng/kg, rau muống 15.000 đồng/kg, bí xanh 22.000 đồng/kg, bầu 20.000 đồng/kg.

Ông Trần Văn Thích, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước An (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho biết do tham gia chương trình bình ổn nên giá rau HTX cung cấp cho hệ thống siêu thị vẫn ổn định, thậm chí rẻ hơn ở chợ. Tuy nhiên, vì mối làm ăn lâu dài nên HTX vận động bà con giữ uy tín, vẫn cung ứng hàng đầy đủ.

Một mặt hàng khác là trứng gà cũng đang tăng giá, bán lẻ ngoài thị trường đang ở mức từ 25.000-26.000 đồng/chục (cao hơn trứng bình ổn từ 2.000-3.000 đồng/chục). Nguyên nhân được các thương lái đánh giá là do thị trường miền Trung đang hút mạnh trứng gia cầm từ miền Nam ra chứ hoàn toàn không phải do giá xăng dầu.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết nhờ lệch giá mà trứng bình ổn được tiêu thụ tăng mạnh. “Đợt tăng giá này chỉ là ngắn hạn nên không có kế hoạch xin điều chỉnh tăng giá trứng bình ổn” - ông Thiện đánh giá.

Cố thủ để bán hàng

Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh vốn chịu tác động khá lớn từ việc giá xăng dầu liên tục tăng nhưng vẫn đang cố thủ, chưa dám tính tới chuyện tăng giá hàng hóa. Các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM cho biết hầu như chưa có nhà cung cấp nào đề nghị tăng giá bán vì lý do giá xăng tăng.

Lần điều chỉnh giá xăng gần đây nhất là ngày 4/6, nếu DN muốn tính toán lại giá thì phải đợi đến đợt quay vòng sản phẩm mới, ít nhất nửa tháng đến 1 tháng nữa. Tuy nhiên, hiện là mùa thấp điểm mua sắm, các DN phối hợp với nhà phân phối khuyến mãi giảm giá để đẩy doanh thu.

“DN muốn bán được hàng thì phải có khuyến mãi, nhà bán lẻ ưu tiên chọn những DN giữ ổn định giá để chạy chương trình. Vì vậy, DN chưa dám tăng giá thời điểm này” - ông Lê Hữu Tình, Giám đốc marketing Emart Việt Nam, giải thích.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan, cho biết trong lĩnh vực của Vissan, chi phí vận chuyển chiếm chưa đến 1% giá thành nên xăng dầu tăng - giảm không tác động lớn đến việc điều chỉnh giá bán. Tuy nhiên, khi xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng dắt dây đến nhiều loại chi phí khác và sẽ “ăn” vào lợi nhuận DN.

Theo ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thép Việt, trong ngành thép, chi phí vận chuyển khá lớn, chiếm 5% tổng giá thành.

“Trước mắt, chúng tôi chưa điều chỉnh giá bán nhưng sẽ theo dõi sát diễn biến giá xăng và các loại chi phí đầu vào để có tính toán phù hợp” - ông Thái nói.

Một số chuyên gia kinh tế lo ngại giá xăng tăng liên tục trong 6 tháng đầu năm và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ tác động đến tất cả chi phí khác trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng DN, dẫn đến lo ngại về tình trạng lạm phát trong năm 2016.

Nguồn: Ngưởi lao động
Bình luận
vtcnews.vn