• Zalo

Cần một bản ghi Quốc ca chính thức, phát miễn phí trên nền tảng số

Ý kiếnThứ Ba, 07/12/2021 14:40:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cơ quan quản lý Nhà nước cần cung cấp một bản ghi Quốc ca chuẩn, có bản quyền trên nền tảng số để nhân dân sử dụng miễn phí, tránh sự cố tắt tiếng Quốc ca tối 6/12.

Trước những tranh luận liên quan đến việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên nền tảng YouTube để tránh vi phạm bản quyền trong trận đấu Việt Nam vs Lào tại AFF Cup tối 6/12, Bộ VHTTDL mới đây đã có phản hồi chính thức.

Cụ thể, Bộ VHTTDL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam. Bộ cũng nhấn mạnh rằng Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.

Cần một bản ghi Quốc ca chính thức, phát miễn phí trên nền tảng số - 1

Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao tặng ca khúc Tiến quân ca cho đất nước và nhân dân Việt Nam. 

Đây là động thái đúng đắn và kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước, bởi ca khúc "Tiến quân ca" đã được cố nhạc sĩ Văn Cao và gia đình hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Quốc ca Việt Nam thuộc về toàn thể nhân dân, nên hành vi ngăn cản việc phổ biến tác phẩm này là hành động cần phải lên án.

Tuy nhiên, tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay, Quốc ca Việt Nam được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Việc thay đổi cách hòa tấu, biểu diễn trên nền tảng tư duy sáng tạo của các cá nhân, tổ chức đã tạo điều kiện để nhiều phiên bản ra đời, phổ biến trên mạng.

Mỗi phiên bản lại được đăng ký bản quyền riêng với YouTube, nên các cá nhân, tổ chức khi sử dụng phải có sự đồng ý của bên sở hữu bản quyền.

Thực tế, không thể ngăn cản việc có nhiều cách làm mới Quốc ca. Càng nhiều phiên bản, tức Quốc ca càng được phổ biến rộng rãi hơn, đúng với tinh thần mà Bộ VHTTDL đề cập. Các phiên bản ghi âm, biểu diễn Quốc ca chứa đựng chất xám, nỗ lực sáng tạo của người thực hiện, nên cần được tôn trọng và bảo vệ tác quyền theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Do đó, việc cần làm trước mắt của cơ quan quản lý nhà nước không phải là giải quyết những mâu thuẫn liên quan tới bản quyền, mà là nên đăng ký bản quyền bản ghi âm Quốc ca chính thức trên nền tảng số. 

Bản ghi này sẽ được cung cấp cho các cơ quan ngoại giao, các đoàn Việt Nam ra nước ngoài, trong sự kiện thể thao, nghệ thuật nói riêng và sự kiện quốc tế nói chung, vốn yêu cầu lễ cử hành Quốc ca và có ghi âm, ghi hình.

Bản ghi âm Quốc ca chính thức này sẽ được đăng ký bản quyền trên các nền tảng số, thông báo công khai để nhân dân và các cơ quan, tổ chức có thể xin phép, sử dụng miễn phí, đúng với tinh thần pháp luật và tôn trọng bản quyền. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL, ông Tạ Quang Đông cũng chia sẻ về vấn đề này. Theo ông Đông, sắp tới Bộ VHTTDL có thể sản xuất thêm nhiều phiên bản và cung cấp cho các cơ quan ngoại giao, các đoàn Việt Nam ra nước ngoài để sử dụng trong các sự kiện chính thức có ghi âm, ghi hình.

Bộ cũng sẽ xem xét để đăng ký bản quyền các bản ghi này với YouTube và các nền tảng số khác để sử dụng một cách hợp pháp.

Ông Đông cũng đề nghị các đơn vị sử dụng bản ghi âm, ghi hình cần nghiêm túc chú ý tới quyền tác giả và quyền liên quan đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.

Cần một bản ghi Quốc ca chính thức, phát miễn phí trên nền tảng số - 2

Phần cử hành Quốc ca của tuyển Việt Nam bị tắt tiếng trên YouTube. 

Tối 6/12, Next Media - đơn vị nắm bản quyền phát sóng AFF Cup tại bốn quốc gia (trong đó có Việt Nam) quyết định tắt tiếng phần cử hành Quốc ca là bởi lo ngại phiên bản Quốc ca do ban tổ chức sân Bishan ở Singapore (nơi tổ chức trận Việt Nam vs Lào) có thể đã được đăng ký bản quyền bởi một cá nhân, tổ chức khác.

Nếu phát phần nhạc này mà chưa xin phép bên sở hữu bản quyền phiên bản nói trên, đơn vị phát sóng có thể bị YouTube phạt, thậm chí bị khiếu nại dẫn đến mất quyền phát sóng các trận đấu tại AFF Cup 2020.

Hồng Nam
Bình luận