Sau phản ánh những lùm xùm đang diễn ra tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược và tổ 5 thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nhiều ý kiến không đồng tình với cách làm việc của chính quyền huyện Sóc Sơn trong việc xác minh nguồn gốc đất, cũng như liên tục ra Thông báo cưỡng chế công trình xây dựng trên đất.
Bà Phan Thị Bình cư trú tổ 5 (thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), một người dân có đất bị thu hồi cung cấp cho phóng viên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00266 bản gốc do UBND huyện Sóc Sơn cấp, được ông Nguyễn Đức Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện ký ngày 24/12/2003 thuộc tờ bản đồ số 01, số thửa 151, đất ở lâu dài với diện tích 81m2 tại tổ 5 thị trấn Sóc Sơn.
Ông Nguyễn Thế Thành, hàng xóm nhà bà Bình, người bị thu hồi đất cũng bức xúc nói: “Cả đời chúng tôi chỉ biết lao động rồi tạo công ăn việc làm cho con em địa phương, mấy hôm nay chính quyền liên tục gửi Thông báo tháo dỡ công trình trên đất, việc này đang đẩy gia đình tôi vào cảnh phá sản, công nhân mất việc.”
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện mảnh đất nhà bà Bình đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, còn mảnh đất nhà ông Thành đã được Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Sóc Sơn xác nhận tại văn bản 136.TT/GXN-VPĐKĐĐ ngày 09/6/2017 phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trước thời điểm chính quyền huyện Sóc Sơn thực hiện dự án).
Tại Văn bản số 84/HĐND-TT ngày 26/6/2018 của Hội đồng Nhân dân huyện Sóc Sơn về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên tại mục 1 có nội dung: Trong đó toàn bộ là đất nông nghiệp, đất công, đất khác do UBND xã, thị trấn đang quản lý, không có đất thổ cư. Vậy không hiểu vì lý do gì mà đất người dân đang ở, có sổ đỏ do chính quyền cấp lại bị thu hồi để làm dự án đấu giá đất?
Hàng xóm của ông Thành và bà Bình, cho rằng, chính quyền huyện cần có cách nhìn nhận thấu đáo để người dân không bị đẩy vào cảnh mất kế sinh nhai khi thực hiện dự án.
Trao đổi về sự việc, ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Sóc Sơn cho biết: “Việc thực hiện dự án, gia đình bà Bình không đồng ý thì huyện phải giải quyết chứ thị trấn không có thẩm quyền. Thị trấn chỉ đứng ra vận động, tuyên truyền. Nếu như bà Bình không đồng ý thì dự án vẫn thực hiện, nhưng con đường sẽ không mở được”.
Trong khi đó, Luật sư Phạm Thị Hương - Công ty Luật TNHH Thiện Minh Long cho biết, nếu ông Nguyễn Thế Thành không đồng ý với Quyết định của UBND huyện Sóc Sơn về việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do có hành vi vi phạm hành chính, thì ông Thành có quyền khiếu nại hành chính đến Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để các cơ quan này xem xét giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại; Luật tố tụng hành chính; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trong quá trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc tố tụng, ông Thành có quyền yêu cầu Người giải quyết khiếu nại/Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là “Tạm đình chỉ thi hành Quyết định hành chính”.
Đối với vụ việc của bà Phan Thị Bình, Luật sư Phạm Thị Hương nhìn nhận, sự việc này thì phức tạp hơn, bởi liên quan đến diện tích đất của bà Bình đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; liên quan đến quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành thực hiện dự án; đặc biệt ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân bởi, quản lý đất đai là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm; ảnh hưởng đến nơi ăn ở, kinh doanh, nơi trao gửi tình cảm của người dân… bà Bình có thể viết Đơn khiếu nại hành vi hành chính, Quyết định hành chính đối với ông Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn.
Bình luận