VTC News vừa nhận được phản ánh của bà Phan Thị Bình cư trú tổ 5 (thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) về việc mảnh đất của gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thửa đất này nằm trong phạm vi thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược.
Nhưng khi xác định nguồn gốc đất, kiểm đếm tài sản trên đất, chính quyền huyện Sóc Sơn lại xác định diện tích đất thực hiện dự án là “không có đất thổ cư”.
Theo phản ánh của bà Phan Thị Bình, bà xây dựng ngôi nhà này từ năm 1990 với diện tích khoảng 10 thước đất. Sau đó, bà Bình làm nhà và được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003.
Tháng 7/2019, bà nhận được giấy mời lên UBND thị trấn Sóc Sơn. Sau đó, cán bộ thông báo đất của nhà bà nằm vào trong quy hoạch, yêu cầu chuyển đi và sẽ được cấp mảnh đất mới.
“Đất của tôi đã được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, giờ lại đuổi tôi đi để cấp đất cho người khác thì quá vô lý”, bà Bình bức xúc.
Bà Phan Thị Bình cũng cho biết thêm, tại văn bản của HĐND huyện có ghi quy mô đầu tư: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên diện tích khu đất khoảng 3,4ha (trong đó toàn bộ là đất nông nghiệp, đất công, đất khác do UBND xã, thị trấn quản lý, không có đất thổ cư). Trong khi đó đất của gia đình bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bà Bình cho rằng có thông tin sai lệch về nguồn gốc đất tại khu vực này. Nếu dự án được thực hiện thì sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bà Bình.
Trong khi đó, hộ gia đình ông Nguyễn Thế Thành (hàng xóm nhà bà Bình) cũng cho biết, gia đình ông có diện tích khoảng 700m2 giáp danh với đất nhà bà Bình tại tổ 5, thị trấn Sóc Sơn. Diện tích đất của gia đình ông đã có xác nhận của Văn phòng đăng ký đất đai là đất sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch, không tranh chấp.
Trên diện tích đất này, gia đình ông mở cửa hàng kinh doanh xe máy và tạo việc làm ổn định cho hơn 30 người dân địa phương.
"Khi gia đình tôi xây dựng năm 2006 thì không hề có cán bộ, cùng các cơ quan chức năng của Thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn lập biên bản vi phạm hành chính cũng như quyết định xử lý vi phạm hành chính. Bỗng nhiên ngày 20/5/2019, UBND thị trấn Sóc Sơn đã đến tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai, sau đó UBND huyện Sóc Sơn đã có những quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với mảnh đất mà chúng tôi đã sử dụng ổn định hàng chục năm qua.
Tôi nhận thấy, việc cưỡng chế công trình xây dựng của gia đình tôi là động thái dọn dẹp mặt bằng để thực hiện dự án đất đấu giá trên. Từ đó, gây sức ép để gia đình nhà bà Bình phải nhận tiền đền bù để chuyển đi nơi khác sinh sống”, ông Thành bức xúc.
Liên quan đến dự án này, ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch UBND thị trấn Sóc Sơn cho biết địa phương thực hiện chương trình, Nghị quyết của Thành phố cho phép các quận, huyện, thị trấn có đất nhỏ lẻ, xen kẹt thu hồi đấu giá để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế của địa phương.
Huyện đề xuất với TP Hà Nội cho chủ trương và cũng ra Nghị quyết giao cho UBND xã, thị trấn nếu có khu đất như thế thì thu hồi để đem đấu giá.
“Nếu đúng thì không có ai đi làm kinh tế lại đi thu hồi nhà để bán đấu giá, đền bù thì họ làm gì có lãi. Nhưng vì thực hiện quy hoạch và để cho nó đẹp khu đất và sự phát triển thì mình bắt buộc phải làm. Dẫn đến có nhà dính vào thì sự hài lòng hay không sẽ có chứ, không tránh được.
Hiện tại dự án đã được kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất cho người dân, chuyển hồ sơ lên HĐND huyện, lên Phòng Tài nguyên và môi trường của huyện để kiểm tra xác định lại hồ sơ pháp lý và diện tích đất đai có đúng không, nguồn gốc đất là đất gì? Huyện thẩm định, xem xét chưa thì tôi cũng không rõ”, ông Hùng chia sẻ.
Đánh giá nguồn gốc đất của hộ gia đình bà Bình và ông Thành, ông Trần Văn Hùng cho biết: "Đất nhà bà Bình là đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất nhà ông Thành vẫn là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi, nhưng ông ấy xây dựng nên thành vi phạm".
Công trình nhà ông Thành được xây dựng từ năm 2008 thì đầu năm 2019 có đơn thư phản ánh là công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, nhưng không bị tháo dỡ. Sau đó, huyện yêu cầu thị trấn phải thiết lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng và ra quyết định thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Trả lời về việc chuyển đổi khu đất nhà ông Thành từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư, ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch UBND thị trấn Sóc Sơn cho rằng: “Theo các quy định của Nghị định; Quyết định của thành phố thì rất phù hợp, có thể chuyển đổi thành đất ở. Tuy nhiên, gia đình lại chậm làm, đến khi ông Thành xin chuyển đổi thì đã có thông tin quy hoạch, có dự án rồi thì làm sao được chuyển đổi nữa.
Đối với nhà bà Bình, thị trấn cũng mời lên làm việc, vận động, tuyên truyền. Việc thực hiện dự án, gia đình không đồng ý thì huyện phải giải quyết chứ thị trấn không có quyền. Thị trấn chỉ đứng ra vận động, tuyên truyền còn quyết định là ở huyện. Nếu như bà Bình không đồng ý thì dự án vẫn thực hiện, nhưng con đường sẽ không mở được”.
Tuy nhiên, việc HĐND huyện Sóc Sơn có văn bản về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược nhưng trong văn bản đó lại khẳng định không có đất thổ cư khiến dư luận bức xúc.
Trả lời vấn đề này, ông Hùng cho biết HĐND huyện Sóc Sơn ra thông báo, ra Nghị quyết về thì thị trấn nắm bắt được thông tin. Tuy nhiên, nội dung thông tin cụ thể ông Hùng đề nghị phóng viên phải hỏi phòng Quản lý đô thị và Trung tâm phát triển quỹ đất, phòng Tài nguyên và Môi trường.
Ông Hùng cũng thông tin thêm nếu dự án toàn đất nông nghiệp thì dự án mới triển khai được còn vướng đất thổ cư thì quá trình thực hiện dự án sẽ phức tạp, quá trình kiểm đếm tài sản trên đất sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Bình luận