Theo báo cáo của Cục An toàn Bức xạ - Hạt nhân (ATBXHN) - Bộ Khoa học và Công nghệ, vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh và kiểm soát hạt nhân giữ vai trò rất quan trọng đối với các quốc gia sử dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hòa bình.
Thực tế cho thấy, NLNT nói chung, điện hạt nhân nói riêng đã phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu không bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, để xảy ra sự cố hạt nhân sẽ dẫn đến những thảm họa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người và môi trường.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam không chỉ quan tâm đến phát triển ứng dụng NLNT trong các ngành kinh tế, xã hội mà còn rất quan tâm đến xây dựng hạ tầng an toàn, an ninh hạt nhân. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được giao trách nhiệm quản lý lĩnh vực này, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác của Cục ATBXHN nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực NLNT nói chung và đặc biệt là cho Dự án điệt hạt nhân Ninh Thuận nói riêng.
Phối cảnh tổng thể Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (Nguồn: internet) |
Để giúp các nước phát triển điện hạt nhân, Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA đã xuất bản cuốn tài liệu hướng dẫn an toàn cụ thể SSG16 về thiết lập cơ sở hạ tầng an toàn cho chương trình điện hạt nhân và cuốn NSS19 về thiết lập cơ sở hạ tầng an ninh cho chương trình điện hạt nhân.
Hai cuốn tài liệu này giúp cho các nước phân tích đánh giá tình trạng cơ sở hạ tầng về an toàn và an ninh của mỗi quốc gia. Trên cơ sở đó, phát hiện ra những thiếu hụt cần bổ sung để phát triển chương trình điện hạt nhân quốc gia.
Cơ sở hạ tầng an toàn hạt nhân gồm 20 thành tố, đặt ra cho mỗi quốc gia 200 vấn đề cần phân tích và đánh giá để xây dựng chương trình hành động và 7 thành tố cơ sở hạ tầng an ninh hạt nhân, được quy về thành 4 nhóm vấn đề gồm: Chính sách, pháp lý và tổ chức quản lý; Phát triển nguồn nhân lực, cơ sở kỹ thuật và giám sát thực hiện; Các vấn đề cụ thể và An ninh hạt nhân.
Những việc cần làm
Theo đó, đối với Nhóm cơ chế, chính sách, pháp lý và công tác tổ chức: Cần đẩy nhanh tiến độ soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Năng lượng Nguyên tử sửa đổi, bổ sung và các văn bản pháp luật quy định cụ thể liên quan tới an toàn, an ninh hạt nhân;
Xác định quy hoạch xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới an toàn, an ninh nhà máy điện hạt nhân; thành lập một cơ quan pháp quy đủ năng lực và nguồn lực để quản lý toàn bộ vòng đời của nhà máy điện hạt nhân;
Cần có cơ chế cung cấp tài chính riêng cho các hoạt động của cơ quan pháp quy khi đang triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam; tạo điều kiện để cơ quan pháp quy chủ động sử dụng nguồn kinh phí đào tạo nguồn nhân lực.
Có thể cấp cho người đứng đầu cơ quan pháp quy một khoản ngân sách nhất định trong thời gian nhất định để thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực cho cơ quan này; Cơ quan pháp quy cần tập trung xây dựng các văn bản pháp quy liên quan tới các quy định về lực chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng và vận hành; và các quy trình nội bộ của cơ quan pháp quy cho việc thanh kiểm tra, đánh giá thẩm định an toàn và cấp phép.
Chụp X-quang chấn đoán bệnh. (Nguồn: internet) |
Đối với nhóm Phát triển nguồn nhân lực, cơ sở kỹ thuật và giám sát thực hiện, cần thuê tư vấn quốc tế trong việc hoạch định chiến lượng nghiên cứu về an toàn cũng như công nghệ hạt nhân; Cần hoàn thiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cụ thể liên quan tới an toàn hạt nhân.
Thiết lập cơ chế tài chính riêng cho việc đào tạo chuyên gia an toàn nhằm chủ động và linh hoạt hơn nữa trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho cơ quan pháp quy và hỗ trợ kỹ thuật;
Cần phối hợp chặt chẽ và cụ thể giữa cơ quan pháp quy và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của các nhà thầu nước ngoài; thành lập trung tâm mô phỏng để thử nghiệm, kiểm tra thiết kế; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống phòng chuẩn liều bức xạ và hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ cũng như các đại lượng khác phù hợp với các thông số cần kiểm soát của nhà máy điện hạt nhân.
Đối với nhóm các vấn đề cụ thể: Cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo Nhà nước để triển khai tích cực quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Trước mắt, cần tập trung xây dựng các trạm quan trắc tại các tỉnh Đông Bắc và vùng duyên hải Đông bắc bộ để có khả năng cảnh báo sớm sự cố hạt nhân xuyên biên giới từ Trung Quốc;
Đẩy mạnh tốc độ triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học Công nghệ Hạt nhân, trước mắt nên tập trung xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho những vấn đề liên quan tới đánh giá, phân tích an toàn hạt nhân; giao cho Bộ Công thương chuẩn bị phương án quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng;
Tiến hành ngay việc xây dựng Trung tâm Hỗ trợ tư vấn, theo dõi, cánh báo và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đồng bộ với dự án chuẩn bị nguồn nhân lực của Bộ Quốc phòng do Ủy ban Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Quốc gia chủ trì;
Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về an toàn bức xạ; xây dựng và sử dụng nguồn cán bộ có trình độ; thành lập các nhóm chuyên gia làm việc cho dự án điện hạt nhân với phương thức "người có kinh nghiệm kèm người chưa có kinh nghiệm".
Cuối cùng là nhóm vấn đề an ninh hạt nhân, trong đó Bộ Công an phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, ngành khác tổ chức đánh giá các nguy cơ và xây dựng nguy cơ thiết kế cơ bản (DBT); Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành triển khai có hiệu quả Đề án 450 "Đề án triển khai các biện pháp bảo dảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử"'; trong kế hoạch đào tạo cần bổ sung thêm vấn đề an ninh và thanh sát hạt nhân;
Bên cạnh đó, cần tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này để tiếp thu kinh nghiệm, sự giúp đỡ về kỹ thuật, tài chính của các đối tác nước ngoài.
Các chuyên gia thuộc Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA tham dự hội nghị tổng kết 10 năm công tác quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân tổ chức tại Hải Phòng gần đây- Ảnh MK |
Một số đề xuất
Cũng theo nhận định của Cục ATBXHN thì đây là thời điểm tốt nhất để sửa Luật Năng lượng Nguyên tử 2008, tránh để những sai sót bất hợp lý không đáng có trong Luật; xây dựng một cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia có đủ năng lực và thẩm quyền đề quản lý toàn bộ vòng đời nhà máy điện hạt nhân;
Xây dựng năng lực hỗ trợ kỹ thuật về an toàn hạt nhân cho cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia thông qua dự án viện trợ phát triển OAD của Chính phủ Nhật Bản, bao gồm cả việc xây dựng hệ thống quan trắc và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, trước mắt đủ đảm bảo theo dõi và ứng phó với sự cố hạt nhân xuyên biên giới;
Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về an toàn bức xạ và hạt nhân, bao gồm cả việc xác định và triển khai các hướng nghiên cứu quan trọng và lâu dài liên quan tới an toàn bức xạ;
Đánh giá mối nguy cơ đối với an ninh hạt nhân, xây dựng nguy cơ thiết kế cơ bản (DBT) để phục vụ cho thẩm định cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân; Cần còn nguồn tài chính đành riêng cho công tác quản lý an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân đối với dự án xây dựng Nhà máy điện Hạt nhân Ninh Thuận.
Minh Khang
Bình luận