Việc sử dụng hình ảnh của một “ngôi sao” làm đại diện thương hiệu không phải là điều lạ trên thế giới hay tại Việt Nam. Xét về khía cạnh hiệu quả, các “ngôi sao” có rất nhiều người hâm mộ và tình cảm họ dành cho thần tượng là rất lớn. Do đó, việc sử dụng ”ngôi sao “ trong quảng cáo là cách nhanh nhất thu hút được sự chú ý và khuếch trương được độ nhận biết của thương hiệu.
Vừa qua, hình ảnh xạ thủ Hoàng Xuân Vinh – xuất hiện trên poster quảng cáo của Huda Beer trong sự kiện Vinh danh thành tựu vàng tại năm tỉnh, thành phố là Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Đà Nẵng từ ngày 18/11/2016 – 26/11/2016. Một huyền thoại của thể thao Việt Nam khi đạt được 2 huy chương tại Olympic Rio 2016, trong đó có một huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam tại các kỳ Thế vận hội Olympic, đã được “sánh đôi” với Huy chương vàng Giải thưởng bia Quốc tế của thương hiệu Huda Beer trong một sự kiện vinh danh, liệu có xứng tầm?
Trước đó, cầu thủ Công Phượng cũng gây xôn xao trong một quảng cáo bia. Là một cầu thủ bóng đá nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ, Công Phượng đã chọn cho mình trở thành hình ảnh quảng cáo cho bia Sài Gòn.
Việt Nam đang đứng thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan), thứ 10 ở Châu Á và 29 trên thế giới về lượng rượu bia được sử dụng. Tuy nhiên, nếu tính riêng về tỉ lệ nam giới sử dụng rượu bia thì Việt Nam là khoảng 77%, tỉ lệ này đang đứng đầu thế giới. Với những chỉ số… “quá đẹp” về thị trường bia như thế, chắc chắc chúng ta sẽ phải có nhiều điều phải ngẫm nghĩ và trong đó quảng cáo cũng là một nội dung cần quan tâm.
Hiện nay Luật quảng cáo chỉ quy định cấm quảng cáo với ”rượu từ 15 độ trở lên” tức là hoạt động quảng cáo rượu dưới 15 độ và bia không bị kiểm soát và được thực hiện giống như một quảng cáo sản phẩm hàng hóa thông thường.
Bên cạnh đó, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại để tính thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không còn bị khống chế thay vì áp trần quảng cáo chỉ chiếm dưới 15% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp như trước đây.
Từ đó, các doanh nghiệp ngành bia thỏa sức thực hiện các chương trình quảng cáo, tiếp thị bủa vây người tiêu dùng trên mọi không gian, thời gian mà không sợ bị vượt mức trần ngân sách
Từ thực tế mức tiêu thụ bia của Việt Nam quá cao cộng với sự thông thoáng trong việc quảng cáo, tiếp thị bia rượu dưới 15 độ, nên chăng cần hạn chế việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng cho việc quảng bá bia rượu để phần nào giảm đi sự chú ý, cũng như định hướng người tiêu dùng trong thói quen sử dụng sản phẩm.
Về phía doanh nghiệp, đứng trên góc độ quản trị và truyền thông thương hiệu, không nên chỉ chú trọng đến sự nổi tiếng của các “ngôi sao” để chọn làm đại diện thương hiệu mà cần phải quan tâm hơn đến nhân vật đó có phù hợp với triết lý và tính nhân văn của sản phẩm, thông điệp muốn truyền tải đến khách hàng và các ảnh hưởng đến số đông.
Với hình ảnh của Công Phượng hay Hoàng Xuân Vinh, trên phương diện an toàn sức khỏe và hình tượng của một vận động viên thể thao thì hoàn toàn không phù hợp với việc quảng cáo bia rượu. Bởi vì, đã là vận động viên thì bia rượu không khác gì kẻ thù không đội trời chung.
Người tiêu dùng luôn có xu hướng không chỉ mua sản phẩm mà còn mua cả giá trị cộng thêm từ hình ảnh nhân vật quảng bá cho sản phẩm, đó là lối sống, phong cách sống của nhân vật. Vì vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc, tránh tâm lý chạy theo phong trào, mong muốn được dùng sản phẩm để giống với thần tượng mà ảnh hưởng đến sức khỏe!
Video: Bia rượu là nguyên nhân dẫn đến 8 loại ung thư khác nhau
Bình luận