Thị trường

Cạn đơn hàng, doanh nghiệp đau đáu tìm cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp

Chủ Nhật, 20/11/2022 11:45:00 +07:00

(VTC News) - Luân chuyển công nhân giữa các nhà máy, tăng cường marketing, chia sẻ đơn hàng... là những giải pháp các doanh nghiệp làm để cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp.

Công nhân ngậm ngùi khăn gói về quê ăn Tết sớm

Những ngày gần đây, dọc quốc lộ 13, đoạn đi qua TP Thuận An (Bình Dương) xe khách dừng đón khách đông hơn thường ngày. Hành khách hầu hết là những người trẻ, khệ nệ hành lý mang theo.

Cũng trên tuyến đường này, từng đoàn xe máy chở lỉnh kỉnh đồ đạc tiến về cửa ngõ thành phố nhiều hơn trước. Bình Dương lúc này hệt như những ngày giáp Tết Nguyên đán, người người rời thành phố hồi hương đón Tết.

Những đoàn người nói trên là các công nhân làm việc lâu năm tại các nhà máy, xí nghiệp tại Bình Dương. Những năm trước, thời điểm này họ đang tăng tốc cho đơn hàng cuối năm, phần vì lượng công việc nhiều, phần vì ráng tăng ca để thêm tiền thưởng Tết. Thế nhưng, năm nay, họ "được" nghỉ Tết sớm hơn mọi năm 2 tháng…

Cạn đơn hàng, doanh nghiệp đau đáu tìm cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp - 1

Công nhân thất nghiệp, về quê ăn Tết sớm. (Ảnh: Thy Huệ)

23h, anh Lô Văn Phi (26 tuổi) gật gù ngồi ôm chiếc vali to tướng bên lề đường. Tay phải anh đan vào quai đeo của chiếc balo cũ, tay trái kẹp thêm đủ thứ đồ. Cạnh anh, cũng có vài người tương tự. Anh và mọi người đang đón xe về An Giang. 2 ngày trước, anh Phi nộp đơn nghỉ việc sau 6 năm gắn bó tại một công ty sản xuất gia công giày ở TP Thuận An.

Ngày trước, vì không đậu đại học, anh Phi rời An Giang lên Bình Dương xin làm công nhân. Mức lương công nhân không cao, nhưng tiết kiệm vẫn đủ để anh trả tiền sinh hoạt và gửi về phụ má lo cho cho 2 đứa em ở quê ăn học. 

"Lương cứng gần 5 triệu đồng, nhưng chăm tăng ca thì thực nhận mỗi tháng cũng trên dưới 12 triệu. Với nhiều người 12 triệu không nhiều, nhưng với chúng tôi thì trang trải được cho cả gia đình", anh Phi nói.

Ba mất sớm, từ lúc đi làm đến nay, anh Phi là trụ cột của gia đình 4 người. Thế nhưng, 2 tháng nay, anh thấp thỏm không biết thời gian tới sẽ xoay xở ra sao để lo cho gia đình khi công việc không còn suôn sẻ như trước.

2 tháng nay, công ty anh làm việc cạn kiệt đơn hàng, hoạt động cầm chừng, chỉ cho công nhân làm 4 ngày/tuần, không có tăng ca. Với lượng công việc này, mỗi tháng anh Phi chỉ nhận được không đầy 2 triệu đồng tiền lương. Số tiền này thậm chí không đủ để anh trả tiền thuê trọ và ăn uống hàng ngày.

Sau thời gian cầm cự, tình hình đơn hàng của công ty vẫn không có dấu hiệu khả thi, anh Phi buộc phải tính đường về quê: "Má tui nói đợt này về quê làm thợ hồ cũng khá, không phải lo tiền trọ, nhà có gì ăn nấy". Về quê đợt này đồng nghĩa với việc không nhận được tiền thưởng Tết như mọi năm, nhưng nếu cầm cự đến Tết, anh Phi lo khó trụ nổi.

Cạn đơn hàng, doanh nghiệp đau đáu tìm cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp - 2
Cạn đơn hàng, doanh nghiệp đau đáu tìm cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp - 3

Dọc quốc lộ 13, xe khách dừng đón khách đông hơn thường ngày. (Ảnh: Thy Huệ)

Anh Phạm Văn Hoàn (27 tuổi) hiện làm công nhân may mặc cũng tại một nhà máy ở TP Thuận An. Mấy ngày nay, nhiều người chung khu trọ lần lượt cuốn gói đồ đạc về quê làm anh hoang mang. 

Hơn 1 tháng nay, anh nhận được thông báo của công ty về việc dừng tăng ca, chỉ hoạt động theo các ca chính vì khan hiếm đơn hàng. Nhiều đồng nghiệp của anh sau khi nghe thông báo đã xin qua công ty khác, một số tìm việc thời vụ hoặc về quê. Còn anh, quê ở Đắk Lắk, thời điểm này về quê không phải là phương án tốt nên anh cố gắng làm cầm chừng đến hết năm để nhận thưởng Tết.

Dù vậy, mấy hôm nay, một số băng chuyền trên của công ty lại thông báo giảm các ca chính xuống còn 3 ca/tuần. Điều này đồng nghĩa công nhân chỉ còn nhận được 1/3 lương cứng hàng tháng. Sự thay đổi này khiến công nhân của công ty đồng loạt nghỉ việc. Trước tình hình hiện tại, anh Hoàn lo lắng không biết lúc nào băng chuyền của mình sẽ "đến lượt".

"Tui ban đầu không tính nghỉ đâu, vì giờ chờ đến Tết lương không bao nhiêu, nhưng chắc cũng nhận được tầm 10 triệu tiền thưởng như mọi năm. Nhưng mà tình hình này thì không chắc chắn được gì cả, công ty khó khăn, không ai đảm bảo được tiền thưởng vẫn được giữ nguyên. Chắc mai mốt tui cũng về quê", anh Hoàn than thở.

Lướt mạng xã hội những ngày này không khó để bắt gặp các trường hợp tương tự anh Phi và anh Hoàn. Trên các tài khoản Tiktok, Facebook... video công nhân la liệt ngồi chờ trước cổng các công ty vì bị bất ngờ thông báo hết việc được đăng tải đầy rẫy, video từng nhóm công nhân chờ xe về quê đón Tết sớm cũng không ít.

Bên dưới các video được đăng tải là bình luận của hàng nghìn người, là công nhân, họ cho biết cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Dù vậy, không ai trách cứ công ty, bởi họ biết rằng khó khăn này của công ty, chính họ nên là những người thấu hiểu và chia sẻ lúc này.

Hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng

Trước đây, khi thị trường lao động ở Bình Dương sôi động, doanh nghiệp chủ động đi tìm công nhân, việc tuyển dụng cũng rất dễ dàng, bỏ qua kiểm tra bằng cấp, tay nghề.

Nhưng nay thì ngược lại, người lao động phải tự đi tìm việc và điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp cao hơn, yêu cầu phải có tay nghề...

Thế nhưng, hiện thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu đang cắt giảm mạnh đơn hàng xuất khẩu. Cùng với đó, giá nguyên liệu, chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển cũng đồng loạt tăng mạnh, dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy tại Bình Dương hoạt động cầm chừng, chỉ 30 - 50% công suất. 

Cạn đơn hàng, doanh nghiệp đau đáu tìm cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp - 4

Khu Công nghiệp VSIP. (Ảnh: Thy Huệ)

Các ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; bên cạnh đó là một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…

Theo dự báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, quý 4/2022, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khoảng từ 5.000 - 10.000 lao động với tất cả ngành nghề, giảm nhiều so với các năm trước từ 20.000 - 30.000 lao động. Các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng chủ yếu là các vị trí việc làm, như: bảo trì cơ điện, thợ điện, cơ khí, kế toán, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Bình Dương đã có hơn 20.000 lao động bị nghỉ việc không lương, hơn 200.000 lao động khác bị giảm giờ làm. Số liệu của đơn vị BHXH tỉnh Bình Dương cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại đã có 13.000 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. 

Số doanh nghiệp tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp, hơn 88% tổng số lao động bị ảnh hưởng. Đây là tình trạng bất khả kháng của các doanh nghiệp, trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đang rất nỗ lực, khi chưa có đơn hàng, các doanh nghiệp đang cố gắng sắp xếp, bố trí việc làm cho lao động.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay ở Bình Dương có khoảng 28.000 lao động phải tạm ngưng hợp đồng lao động, khoảng 240.000 người bị giảm giờ làm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phê duyệt quyết định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp cho gần 70.000 lao động mất việc.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, nhiều ngày nay các doanh nghiệp vẫn đang đau đầu, cùng nhau họp để tìm phương án khắc phục tình trạng cạn đơn hàng. Các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra nhiều ưu đãi cho phía đối tác là các khách hàng nước ngoài nhưng không khả thi.

"Chúng tôi đã chủ động đề nghị “free ship”, giảm giá đến mấy chục phần trăm cho các đối tác ở nước ngoài mà cũng chịu thua. Lý do là hàng trong kho của họ còn tồn, chưa bán được, thì đặt đơn mới làm gì. Họ nói thế mình cũng phải chịu thôi. Thị trường chung, giờ chỉ còn cách đợi thị trường ổn định", ông Nguyễn Liêm nói.

Trước tình hình hiện tại, để duy trì hoạt động và giữ chân công nhân, các doanh nghiệp buộc phải đi tìm những đơn hàng nhỏ, giảm bớt chuyền hoặc giảm giờ làm và đợi thị trường phục hồi. Các doanh nghiệp trong hiệp hội đang cố gắng hợp tác với nhau, chia sẻ đơn hàng với nhau để giữ công nhân.

Cạn đơn hàng, doanh nghiệp đau đáu tìm cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp - 5
Cạn đơn hàng, doanh nghiệp đau đáu tìm cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp - 6

Cạn đơn hàng là tình trạng hầu hết các doanh nghiệp tại Bình Dương đang phải đối mặt.

Ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (Bình Dương) cho hay, trước khó khăn chung, công ty đang hoạt động chỉ khoảng 50% công suất và buộc phải giảm giờ làm việc của công nhân.

"Chúng tôi không ép công nhân nghỉ mà chỉ giảm giờ làm để giữ nguồn nhân lực. Tuy nhiên, người lao động tự xin nghỉ về quê, rồi xin nghỉ giải quyết việc riêng... Thực tế 25% số lao động đã nghỉ làm so với trước đây”, ông Hồ Quang Hiệp cho hay.

Tìm cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp

Trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Vui, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thái Bình (TBS Group; trụ sở chính tại TP Dĩ An, Bình Dương) cho biết, sau dịch COVID-19 và ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, đơn hàng xuất khẩu đang bị ảnh hưởng chung, TBS Group không ngoại lệ.

Hiện, doanh nghiệp đang đau đầu trong việc tìm giải pháp để công nhân không rơi vào cảnh thất nghiệp.

Tuy nhiên, do TBS Group là doanh nghiệp đa ngành nghề nên may mắn còn một số mặt hàng khác "cứu vớt".

"Nói chung cũng tùy theo mặt hàng. Ví dụ như gia công, sản xuất giày thì chúng tôi bị ảnh hưởng khá nặng, còn gia công, sản xuất túi xách vẫn may mắn giữ được lượng đơn hàng ổn định", bà Vui nói.

Lý do bà Vui đưa ra là tại Việt Nam, các công ty sản xuất, gia công giày hiện khá nhiều, trong khi đó sản xuất túi xách còn ít nên đơn hàng túi xách không bị cạnh tranh nhiều. Dù vậy, với 18 nhà máy sản xuất giày, vấn đề giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn công nhân đối với TBS Group hiện đang trở nên nan giải hơn bao giờ hết.

Sau nhiều ngày họp bàn để đưa ra các phương án giải quyết việc làm cho người lao động, công ty quyết định luân chuyển công nhân giữa các nhà máy với nhau.

"Chúng tôi đang lấy một phần người lao động bên giày qua túi xách, nhưng cũng không được nhiều, vì tính chất công việc không phải ai cũng làm được, tùy tay nghề. Thành ra chúng tôi chỉ còn cách cố gắng hết sức, linh hoạt tạo điều kiện vừa làm vừa học việc, bằng mọi cách giảm tối thiểu tỷ lệ người lao động mất việc", bà Vui chia sẻ.

TBS Group được thành lập từ năm 1989, với xuất phát điểm là một xưởng da giày nhỏ, tới nay được biết đến là một tập đoàn đa ngành hoạt động ở 6 lĩnh vực gồm: Sản xuất công nghiệp da giày, sản xuất công nghiệp túi xách, đầu tư và quản lý hạ tầng công nghiệp, cảng - logistics và du lịch - thương mại - dịch vụ.

Hiện, TBS Group đang sở hữu 18 nhà máy sản xuất giày, 3 nhà máy sản xuất đế, 8 nhà máy sản xuất túi trên khắp Việt Nam, tạo việc làm cho khoảng 40.000 người lao động. Ngoài ra, công ty còn có 2 nhà máy tại Myanmar và Indonesia, văn phòng đại diện tại Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, 5 trung tâm phát triển sản phẩm. 

Cạn đơn hàng, doanh nghiệp đau đáu tìm cách cứu công nhân khỏi cảnh thất nghiệp - 7

Bên trong nhà máy của Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát JOY. (Ảnh: Thy Huệ)

Ông Vũ Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát JOY (TP Dĩ An, Bình Dương) cho biết, thời điểm này các năm trước, công ty phải căng bảng tuyển dụng để kịp các đơn hàng cuối năm.

Thế nhưng năm nay, dù đã đưa ra nhiều ưu đãi với các đối tác, đơn hàng vẫn giảm mạnh.Đơn hàng giảm, thay vì tăng ca như mọi năm, hiện công ty đã phải cắt hẳn giờ tăng ca. Để giữ được giờ làm chính cho người lao động, công ty phải huy động bộ phận marketing làm việc hết công suất để tìm kiếm đơn hàng mới.

"Tình hình chung nên cũng phải chấp nhận thôi, nhưng thương là thương cho công nhân, gần cuối năm mà mất việc thì tội lắm. Thực tình chúng tôi hiện cũng không biết làm sao để cứu vãn, chỉ còn cách đẩy mạnh marketing thôi. Khi marketing tốt may ra mới có đơn hàng mới, vậy mới có việc cho công nhân", ông Hậu nói.

Chia sẻ với PV VTC News, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) cho rằng, trước tình hình hiện tại, ngành chức năng phải thẳng thắn tìm giải pháp, xây dựng chính sách bền vững để mối lo về công nhân thất nghiệp khi doanh nghiệp khó khăn không tuần hoàn.

Vấn đề hiện nay không phải là các đơn hàng mà là cơ cấu hóa lao động việc làm. Ngay lúc này, phải có chiến lược rộng hơn để tái cơ cấu. Những gói an sinh chỉ là những giải pháp tạm thời, người lao động luôn mong muốn có công việc ổn định chứ không trông chờ thất nghiệp để nhận những gói an sinh.

"Giờ thất nghiệp, công nhân về quê đón Tết sớm. Việc về Tết chỉ là cầm cự, rồi họ vẫn phải trở lại thành phố tìm việc. Vì vậy phải có giải pháp hài hòa. Ngoài việc BHXH phải thực thi chức năng, ngành chức năng phải có chiến lược cân đối: Cân đối giữa nông thôn và thành thị, giữa việc làm ngành nghề này và ngành nghề khác... Có như thế thì mới không mãi rơi vào lúng túng", PGS.TS Nguyễn Đức Lộc phân tích.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn