• Zalo

‘Cần chớp thời cơ xuất khẩu gạo’

Thị trườngThứ Ba, 01/08/2023 18:32:30 +07:00Google News
(VTC News) -

Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ tăng cường xuất khẩu gạo trước bối cảnh Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Tại họp báo thường kỳ Tháng 7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần chớp lấy thời cơ hiện nay để tăng cường xuất khẩu gạo ra thế giới.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần chớp thời cơ để tăng cường xuất khẩu gạo ra thế giới.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần chớp thời cơ để tăng cường xuất khẩu gạo ra thế giới.

Theo ông Cường, năm nay diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng so với kế hoạch đầu năm 50.000 ha (lên 700.000 ha), góp phần tích cực vào việc vào nắm bắt thời cơ giá gạo tăng.

Trong bối cảnh nhu cầu và giá gạo trên thế giới tăng cao, Cục Trồng trọt sẽ cơ cấu tăng 50.000 ha gieo trồng lúa vụ thu đông ở khu vực ĐBSCL”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng khẳng định, thị trường lúa gạo hiện nay đang rất khởi sắc, qua đó đem lại lợi ích cho cả người nông dân lẫn các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo kế hoạch của năm 2023, cả nước gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, tương đương sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn. Cho đến thời điểm này, qua quá trình kiểm tra, nắm tình hình tại các vùng trồng trên cả nước, lúa đang sinh trưởng phát triển tốt. Nếu không có thiên tai nghiêm trọng và dịch bệnh trên diện rộng thì chắc chắn 2023 sẽ là một năm được mùa lúa gạo, sản lượng đạt trên 43 triệu tấn.

Họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng cho biết thêm, đơn vị đã phối hợp với các địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất từ nay đến cuối năm và sẵn sàng cho vụ đông xuân vào đầu năm 2024.

Hiện tượng Elnino sẽ ảnh hưởng nhiều đến các vụ sản xuất vào năm 2024 ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Trồng trọt, dựa trên những kinh nghiệm đối phó với El Nino vào các năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, Cục sẽ có những phương án đối phó với hiện tượng này, ví dụ như đợt El Nino năm 2019-2020, không có diện tích nào bị mất trắng là do các giải pháp được đưa ra kinh nghiệm từ năm 2015-2016.

"Ngoài những giải pháp mềm về thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chúng ta còn hệ thống giải pháp cứng liên quan đến các công trình thủy lợi trên toàn quốc để giảm thiểu tác động của El Nino với ngành trồng trọt nói chung và lúa gạo nói riêng', ông Cường nói.

Để tận dụng thời cơ giá cả và nhu cầu tiêu thụ đều tăng, theo ông Cường, Cục Trồng trọt đã nâng diện tích trồng lúa vụ thu đông ở khu vực ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha để đón thời cơ.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã tham mưu cho Chính phủ để ra chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo trong giai đoạn này, theo đó, các bộ ngành và địa phương liên quan cùng phối hợp với Bộ NN&PTNT để tận dụng tốt cơ hội của ngành hàng lúa gạo.

Giải đáp thêm về vấn đề an ninh lương thực, Cục trưởng Nguyễn Như Cường khẳng định, với sản lượng ước đạt trên 43 triệu tấn lúa như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo mà vẫn đảm bảo được nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Cũng tại buổi họp báo, các đơn vị của Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo các doanh nghiệp đánh giá tình trạng dự trữ hiện có, nguồn cung và nhu cầu thị trường khi thương thảo hợp đồng mới đạt mức giá cao nhất nhằm đảm bảo lợi nhuận cho cả doanh nghiệp cũng như nông dân trồng lúa.

Trước đó, trả lời VTC News, ông Cường nhận định thêm: Thời gian tới, không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng cần bám sát, phân tích, đánh giá tình hình, diễn biến cụ thể của thị trường gạo thế giới. Bên cạnh đó, phải có định hướng với các doanh nghiệp trồng, chế biến, xuất khẩu ngoài việc mua, tiêu thụ về việc dự trữ…Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương cập nhật, cung cấp tình hình sản xuất nguồn hàng.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn