Đầu tháng 6, các thiết bị cuối cùng trong tổ hợp thiết bị phục vụ công nghệ VAR đã về đến Việt Nam. Đây là thông tin được người hâm mộ bóng đá nước nhà đón nhận.
Dù vậy, để bước vào khâu vận hành thử, các trọng tài đã phải học tập, thực hành với các thiết bị VAR trong suốt nhiều tháng qua. Mỗi khi mùa giải tạm dừng, các lớp VAR lại được mở với sự tham gia của 18 trọng tài.
Uỷ viên Ban Trọng tài VFF Võ Minh Trí là người được giao phụ trách công nghệ VAR. Ông Trí là trọng tài có uy tín, nhiều năm kinh nghiệm và được AFC, FIFA mời cầm còi nhiều trận đấu quốc tế.
Sau những buổi học về lý thuyết, phần thực hành công nghệ VAR khiến các trọng tài vất vả nhất. Các trọng tài chính trên sân và trọng tài phòng VAR phải nắm được quy trình vận hành và luật như nhau, không có sự khác biệt nào.
Một buổi học của các trọng tài kéo dài trong cả ngày. Tuy nhiên, ca thực hành trực tiếp chỉ kéo dài khoảng 2 tiếng, tương ứng với thời gian thực tế 90 phút thi đấu của một trận đấu.
Ông Võ Minh Trí là người trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ trọng tài trong quá trình làm quen với công nghệ VAR. Cựu trọng tài này thường xuyên nhắc nhở về các tình huống diễn ra trong trận đấu.
Tổ hợp thiết bị phục vụ cho công nghệ VAR rất hiện đại, đòi hỏi các trọng tài phải có kĩ năng xử lý tình huống tốt, óc phân tích nhanh nhạy và trình độ nhận định các tình huống trên sân. Việc điều khiển thiết bị cũng được hướng dẫn kĩ càng.
Các trận đấu được lựa chọn để trọng tài thực hành đều được lấy từ kho dữ liệu của FIFA và được bảo mật cao. Các trận đấu đều xuất hiện những tình huống khó, tiêu biểu và đòi hỏi các trọng tài phải vận dụng liến thức thực tế lẫn kiến thức vừa được học.
Cựu trợ lý trọng tài Phạm Mạnh Long (đứng bên phải) cũng là một trong các trọng tài tham gia hỗ trợ lý cho lớp tập huấn VAR cho 18 trọng tài. Ông Long nhiều năm đạt danh hiệu "cờ vàng" với nhiều pha bóng bắt việt vị chuẩn xác.
Trợ lý trọng tài Nguyễn Trung Hậu ghi chép lại các tình huống diễn ra, các trợ lý trọng tài được hưởng lợi từ VAR nhưng cũng sẽ rất vất vả.
Theo chia sẻ của một trợ lý trọng tài với VTC News, hoạt động khiến các trọng tài phải "đau đầu" nhất chính là việc phân định tình huống việt vị, kẻ các đường thẳng khi có pha bóng "nhạy cảm". Các pha bóng này có thể tốn nhiều phút để tổ trọng tài VAR tham vấn và trọng tài chính trên sân đưa ra quyết định.
Ngày 8/6, lớp tập huấn về VAR của 18 trọng tài V-League bước vào giai đoạn cuối cùng. Nếu các trọng tài vượt qua bài kiểm tra của FIFA, VAR có thể được đưa vào áp dụng ngay ở V-League 2023. Ngược lại, VAR sẽ phải chờ đến V-League 2023/2024 nếu trọng tài không hoàn thành bài kiểm tra này.
Bình luận