Trong chương trình Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp APEC (SOM 3) diễn ra vào nửa cuối tháng 8/2017 tại TP.HCM, Bộ Y tế sẽ chủ trì Diễn đàn Đối thoại Chính sách Hội thảo chuyên gia về HPV và Ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung là ung thư sinh dục phổ biến nhất ở phụ nữ tại các nước kém phát triển. Mỗi năm trung bình có 10-20 người trong 100.000 phụ nữ ở độ tuổi 30 được phát hiện có ung thư cổ tử cung. Tần suất này cao nhất ở Columbia và ở Đông Nam Á.
Đây là một bệnh lý liên quan đến điều kiện y tế yếu kém trong việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản bao gồm việc tầm soát ung thư cổ tử cung, chuẩn đoán và điều trị các tổn thương tiền xâm lấn, kiểm soát các bệnh lây qua đường tình dục và cải thiện điều kiện kinh tế xã hội đưa đến giảm đề kháng của bệnh tật.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 35 trở lên. Trên thế giới, cứ 2 phút lại có một phụ nữ chết do ung thư cổ tử cung.
Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Một số lý do dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao bao gồm số phụ nữ tham gia khám phụ khoa định kỳ để được tầm soát ung thư còn thấp, các chương trình tầm soát cũng chưa được bao phủ rộng, ý thức phòng bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ còn hạn chế do thiếu những chương trình tuyên truyền giáo dục.
Ung thư cổ tử cung là quá trình viêm nhiễm kéo dài được gây ra bởi loại virus nhóm papilloma có tên gọi là Human Papilloma Virus (HPV). Khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến việc bị nhiễm HPV. Hay nói cách khác, chính việc bị nhiễm HPV qua đường sinh hoạt tình dục đã gây ra những biến đổi ở mức độ tế bào và gây ra 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
HPV thâm nhập vào bên trong tế bào cổ tử cung, phát triển và làm biến đổi gen của tế bào. Các tế bào bị đột biến gen sẽ phát triển thành các tế bào ác tính. Quá trình này phải mất nhiều năm, có thể từ 10 đến 15 năm.
Giai đoạn này được gọi là giai đoạn tiền lâm sàng, nghĩa là đã có bất thường về mức độ tế bào nhưng khi thăm khám thì cổ tử cung có thể hoàn toàn bình thường. Nhưng sau đó, một khi đã là ung thư thì bướu sẽ lan rộng nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Video: Lạ lùng phương pháp chữa ung thư bằng tinh trùng mặc áo giáp sắt
Đã có trên 100 chủng loại HPV được mô tả đầy đủ, trong đó có các chủng loại được coi là nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung (chủng 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59 và 66). Sự tái nhiễm nhiều lần chủng HPV nguy cơ cao làm các tổn thương tân sinh trong biểu mô trở nên không điển hình và tiến triển đến ung thư cổ tử cung xâm lấn.
Nhiễm HPV (16, 18) và các yếu tố nguy cơ kể trên xảy ra trên một cơ địa có tố bẩm về di truyền và miễn dịch là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.
Theo đại diện Bộ Y tế, diễn đàn lần này sẽ có hai mục tiêu:
Thứ nhất là chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các nội dung liên quan tới vai trò của các chương trình tiêm chủng HPV trong kiểm soát Ung thư cổ tử cung.
Thứ hai: Tăng cường hợp tác với các tổ chức Quốc tế khác nhau trong việc đẩy mạnh công tác phòng chống và kiểm soát ung thư tại Việt Nam nói chung đặc biệt là Ung thư cổ tử cung nói riêng.
Diễn đàn là nơi trao đổi của hàng trăm các bác sĩ chuyên khoa ung bướu đến từ trong nước cùng với các chuyên gia quốc tế bao gồm các lãnh đạo Bộ Y tế đến từ các nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương: Úc, Brunei, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippine, Thái Lan ; Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCI); Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Trường Đại học Victoria (Úc); Ủy viên, Ủy ban Lancet; Trường Y tế công cộng Harvard, Boston, Hoa Kỳ; Bệnh viện Llobregat, Tây Ban Nha; Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC, Lyon, Pháp; Hội đồng Ung thư New South Wales; Trường Đại học Malaysia…..
Đặc biệt, trong Diễn đàn lần này, các chuyên gia dành thời gian để thảo luận về chủ đề: Vắc xin HPV- Một trong những đầu tư tốt nhất về sức khỏe ở phụ nữ trẻ tuổi.
Tháng 4/2017, trên tạp chí Lancet GS.Peter Sheehan, Diễn đàn đổi mới khoa học đời sống APEC và GS.Bruce Rasmussen, Thành viên Ban Điều hành Diễn đàn đổi mới khoa học đời sống APEC, Viện Nghiên cứu Chiến lược kinh tế Victoria Trường Đại học Victoria (Melbourne) và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc đã công bố một nghiên cứu mới đánh giá tỉ suất hoàn vốn trong đầu tư sức khỏe vị thành niên.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy vai trò của vắc xin HPV trong việc sự cải thiện sức khỏe thể chất, tâm lý và giới tính ở trẻ có độ tuổi từ 10 đến 19 tuổi – với chi phí tương đương 4,60USD/người/năm- kết quả có thể mang lại tỉ suất chi phí lợi ích kinh tế lớn hơn 10.
Nghiên cứu cũng cho thấy vắc xin HPV có tỉ suất chi phí lợi ích là 17, điều này cho thấy đây là một trong những đầu tư tốt nhất có thể thực hiện cho sức khỏe vị thành niên ở nữ giới tại các nền kinh tế đang phát triển.
Tác giả của nghiên cứu sẽ trình bày kết quả của nghiên cứu tại hội thảo. Tiếp sau bài trình bày là thảo luận về một số nghiên cứu trên thế giới ước tính tác động kinh tế tiềm ẩn của tiêm chủng vắc xin HPV và chi phí cho sự chậm trễ.
Bình luận