Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, chỉ trong tháng 9, cả nước ghi nhận hơn 12.200 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM). Từ đầu năm đến nay, cả nước ta ghi nhận hơn 47.500 trường hợp mắc bệnh, trong đó có hơn 23.344 trường hợp phải nhập viện.
Theo PGS.TS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM , TCM là một bệnh phổ biến lưu hành ở các tỉnh phía Nam với trung bình từ 200.000 - 100.000 ca bệnh mỗi năm. Mùa dịch thường rơi vào khoảng từ tháng 5-11
Năm 2018, số ca mắc bệnh chung của cả miền Nam vẫn thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng chỉ riêng trong tháng 8 và tháng 9/2018 bệnh có sự gia tăng đột biến, khi tăng hơn 50% so với các tháng trước đó.
Đáng chú ý, thời gian vừa qua ghi nhận có 6 trẻ thiệt mạng vì căn bệnh này. Trong đó, Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai mỗi tỉnh 1 trường hợp, riêng Tây Ninh có 2 trường hợp.
Phần lớn trẻ thiệt mạng đều nhiễm chủng Enterovirus 71, đây được biết đến như là chủng virus nguy hiểm nhất gây bệnh TCM tính đến thời điểm hiện tại.
Enterovirus 71 chính là nguyên nhân khiến hơn 100 trường hợp bệnh nhân bị tay chân miệng thiệt mạng trong mùa năm 2011.
Bệnh TCM là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi nhiều chủng virus khác nhau. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, thanh niên và người lớn cũng có thể mắc.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội, thời điểm đông xuân, chuyển mùa, ở các bệnh viện từ trung ương đến địa phương, số trẻ nhập viện do mắc TCM rất cao.
“Chính thời điểm chuyển mùa, những vi khuẩn, virus gây bệnh TCM đang tồn tại sẵn trong môi trường sẽ sống dậy, chuyển từ thể không hoạt động sang thể hoạt động và lây lan gây bệnh”, TS Thúy nói.
Thông thường, các triệu chứng của bệnh bắt đầu bằng những cơn sốt, lúc này trẻ sẽ chán ăn, đau họng và mệt mỏi.
Chỉ trong khoảng từ 1-2 ngày sau khi bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng của trẻ. Ngoài ra, những vết đốm đỏ mọng nước cũng bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông trẻ. Những này có thể có mủ nhưng thường không gây ngứa.
Bình thường, bệnh TCM ít xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng. Bệnh thường nhẹ và gần như tất cả bệnh nhân hồi phục trong 7 - 10 ngày mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp biến chứng nặng dẫn tới viêm màng não, cần phải nhập viện điều trị.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh TCM, vì vậy giữ gìn vệ sinh thân thể và vệ sinh thực phẩm là biện pháp chủ yếu phòng bệnh cho trẻ.
Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh, khi làm đồ ăn cho trẻ…
Làm sạch môi trường xung quanh như đồ chơi, nhà cửa…
Tránh cho trẻ tiếp xúc với những trẻ khác có biểu hiện mắc bệnh.
Không cho trẻ bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người khi nhiễm bệnh.
Video: Chủng virus khiến 6 ca bệnh nhi thiệt mạng nguy hiểm cỡ nào?
Bình luận