Campuchia hôm thứ Hai (16/10) đã khai trương sân bay mới nhất và lớn nhất nước này - Siem Reap-Angkor, được thiết kế với vai trò cửa ngõ dẫn đến khu phức hợp đền Angkor Wat, điểm du lịch hút khách bậc nhất đất nước ở tỉnh Siem Reap.
Bangkok Airways của Thái Lan là hãng bay đầu tiên có chuyến bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor. Trong ngày 16/10 có 17 chuyến bay của hãng tới Siem Reap-Angkor.
Sân bay được xây dựng với chi phí khoảng 1,1 tỷ USD trên diện tích 700ha ở vị trí cách đền Angkor Wat khoảng 40km về phía đông, có đường băng dài 3.600m. Việc xây dựng bắt đầu từ năm 2020 nhằm thay thế sân bay cũ cách ngôi đền nổi tiếng khoảng 5km. Sân bay cũ bị ngừng hoạt động một phần vì lo ngại rung động từ các chuyến bay thường xuyên sẽ làm hỏng nền móng của khu đền nổi tiếng.
Sân bay mới có thể phục vụ 7 triệu hành khách mỗi năm và theo kế hoạch sẽ phục vụ 12 triệu hành khách hằng năm từ năm 2040, sau khi được nâng cấp. Siem Reap-Angkor được xây dựng theo chương trình xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) kéo dài 55 năm giữa Campuchia và Trung Quốc.
Theo Bộ Du lịch, Campuchia đón khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế 8 tháng đầu năm 2023, trong khi cả năm 2019 – trước đại dịch COVID-19 – nước này đón khoảng 6,6 triệu lượt du khách nước ngoài. Du lịch được coi là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Campuchia.
Phó thủ tướng Vongsey Vissoth, người chủ trì buổi lễ khai trương hoạt động, cho biết sân bay mới chính thức được khánh thành vào ngày 16/11 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Hun Manet và các quan chức Trung Quốc.
Một sân bay khác do Trung Quốc tài trợ đang được xây dựng với chi phí 1,5 tỷ USD để phục vụ thủ đô Phnom Penh. Sân bay quốc tế Phnom Penh mới, tên chính thức là sân bay quốc tế Techo, có diện tích 2.600ha, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Angkor Wat, quần thể đền đài tại Angkor, Siem Reap, Campuchia là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 160ha (có tài liệu ghi khoảng 200ha), được xem là đỉnh cao phong cách kiến trúc Khmer. Theo History, Angkor Wat do vua Suryavarman II xây dựng vào đầu thế kỷ 12 để thờ Vishnu, một vị thần Hindu, đến cuối thế kỷ 12 thì trở thành ngôi chùa Phật giáo.
Lonely Planet khẳng định Angkor Wat là trái tim và linh hồn, là niềm tự hào của người dân Campuchia. Công trình xuất hiện ở vị trí trung tâm quốc kỳ, khiến Campuchia là quốc gia duy nhất thiết kế quốc kỳ có hình ảnh công trình xây dựng.
Năm 1992, UNESCO công nhận Angkor Wat là di sản văn hóa thế giới. Ngoài Angkor Wat, Campuchia nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc ấn tượng như đền Bayon với những khuôn mặt của thần Lokesvara (Quán Thế Âm), nằm ở trung tâm quần thể Angkor Thom hay chùa Wat Phnom. Những công trình này khiến Campuchia được biết đến với biệt danh đất nước chùa tháp, tương tự Thái Lan, Myanmar.
Trong năm 2022, có hơn 287.000 lượt khách du lịch nước ngoài tới thăm Angkor Wat, mang đến 11,5 triệu USD cho Campuchia.Hiện Angkor Wat mỗi ngày thu hút từ 1.800 đến 2.000 du khách nước ngoài, tăng đáng kể so với mức 70 khách mỗi ngày trong thời kỳ đại dịch (2020 - 2021).
Tuy nhiên, con số hiện tại vẫn còn thấp nếu so với thời kỳ trước đại dịch, ghi nhận tới 9.000 du khách quốc tế đến Angkor mỗi ngày, người phát ngôn Bộ Du lịch Top Sopheak cho biết.
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều du khách nước ngoài đến Campuchia, đặc biệt là Angkor trong những năm tới khi nhiều hãng hàng không nối lại các chuyến bay đến vương quốc”.
Bình luận