Hôm 10/7, 4 triệu liều vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất được chuyển tới Campuchia. Số vaccine này gồm 3 triệu liều Sinovac và 1 triệu liều Sinopharm.
Campuchia bắt đầu tiêm chủng từ tháng 2 với mục tiêu tiêm cho 10 triệu người dân (từ 18 tuổi trở lên) vào cuối 2021, chậm nhất là đầu năm 2022.
Tính đến gày 6/7, Campuchia nhận được 12 triệu liều vaccine. Trong đó, 2,2 triệu liều là vaccine Sinopharm, 324.000 liều là vaccine Astrazeneca và 9,5 triệu vaccine Sinovac.
Giống như một số nước Đông Nam Á, Campuchia nhận vaccine AstraZeneca thông qua sáng kiến COVAX. Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen cho biết phần lớn nguồn cung vaccine của nước này tới từ Trung Quốc.
Theo Bộ Y tế Campuchia, nước này đã tiêm chủng cho hơn 4,79 triệu người, tương đương 47,9% mục tiêu tiêm chủng cho 10 triệu dân để đạt miễn dịch cộng đồng.
Hôm 8/7, thủ đô Phnom Penh của Campuchia hoàn thành chiến dịch tiêm chủng với 2,12 triệu người, tương đương 99% dân số trưởng thành của thủ đô tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Hồi đầu tháng, Thủ tướng Hun Sen cho biết Campuchia sẽ mua tổng cộng 20 triệu liều vaccine COVID-19 vào tháng 8. Sau khi hoàn thành tiêm chủng cho 10 triệu người trưởng thành, Campuchia sẽ xem xét chích ngừa cho những người dưới 18 tuổi.
Campuchia đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trong bối cảnh dịch bệnh tại nước này diễn biến phức tạp. Hôm 10/7, Campuchia ghi nhận thêm 933 ca mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân nước này lên 59.978. Với 26 người chết được báo cáo trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á hiện có 881 người chết vì dịch.
Số bệnh nhân tăng mạnh khiến các bệnh viện ở Campuchia rơi vào tình trạng quá tải. Trước tình trạng này, chính phủ Campuchia ra chỉ thị cho phép hơn 900 người mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà.
Bình luận