Tại phiên chất vấn sáng 5/11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, tại phiên thảo luận về dự án Luật thanh tra cũng như tại phiên chất vấn ngày hôm nay, một số đại biểu Quốc hội đã phản ánh về việc chậm ban hành kết luận thanh tra và lo ngại việc ban hành, chậm ban hành kết luận này có thể sẽ tác động và ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận thanh tra.
Đại biểu đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết những giải pháp nào Thanh tra Chính phủ đã và sẽ triển khai để bảo đảm hoạt động thanh tra về việc ban hành kết luận thanh tra được đúng thời hạn theo quy định của pháp luật?
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Thủy, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu giải pháp đầu tiên là ngay dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, điều chỉnh thời hạn công bố kết quả thanh tra với các cuộc thanh tra lớn, phức tạp từ 15 lên 30 ngày. Trước đây, tất cả các cuộc thanh tra đều 15 ngày, bây giờ tách ra, Thanh tra Chính phủ với quy mô phức tạp là 30 ngày, còn các cấp thanh tra khác là 20 và 10 ngày.
"Về báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước dự thảo kết luận thanh tra, tôi nói luôn với Thanh tra Chính phủ, với dự thảo kết luận thì báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến các bộ ngành. Nhưng theo dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi thì chỉ quy định ba trường hợp cần báo cáo thủ trưởng cơ quan là liên quan đến quốc phòng an ninh; do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo; do yêu cầu thực tế trong quá trình lãnh đạo mà thủ trưởng cơ quan quản lý yêu cầu báo cáo. Thời gian khi cơ quan thanh tra báo cáo những trường hợp này chậm nhất là 30 ngày, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải có ý kiến, nếu không cơ quan thanh tra sẽ ban hành kết luận", ông Phong nhấn mạnh.
Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp, đẩy nhanh tiến độ, khắc phục chậm ban hành kết luận thanh tra, quy định trách nhiệm cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra, thành viên đoàn, người giám sát... phải xử lý nếu để lọt lộ, chậm ban hành.
Những hành vi cấm của đoàn thanh tra như: cấm nhận quà, tiền, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức, làm lộ, lọt bỏ sót hành vi vi phạm. Ông Phong mong đại biểu và cử tri giúp Thanh tra Chính phủ giám sát, phản ánh sai phạm của các thành viên đoàn thanh tra tại các địa phương, bộ ngành.
Cũng liên quan đến vấn đề đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị Tổng Thanh tra đánh giá và giải pháp thời gian tới?.
Tư lệnh ngàn Thanh tra cho hay, bản thân luôn thực hiện tinh thần và trách nhiệm gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo, trực tiếp thực hiện đúng quy định của pháp luật, xem xét báo cáo kết quả trong lĩnh vực thanh tra, xem xét giải quyết theo chỉ đạo của các bộ ban ngành, Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khiếu nại tố cáo, tạo khí thế động lực cho toàn ngành nói chung…
Về đạo đức công vụ, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, cán bộ ngành cơ bản thực hiện đạo đức công vụ, nhưng vẫn còn bất cập. Trong dư luận hiện nay cũng đánh giá cán bộ thanh tra nói chung, thanh tra Chính phủ còn phiền hà, gây nhũng nhiễu, chưa đúng theo quy định nhà nước để vụ lợi cá nhân.
"Đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu cán bộ thanh tra còn "dễ dãi, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra", thực tế cũng còn nên Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến đánh giá để sửa đổi quy định chặt chẽ hơn", ông Phong nói.
Bình luận