Cấm CĐV nhổ nước bọt vào mặt trọng tài đến sân suốt 3 năm: Bất khả thi

Bóng đá Việt NamThứ Sáu, 22/07/2022 07:02:12 +07:00
(VTC News) -

VFF cấm CĐV nhổ nước bọt vào mặt trọng tài đến sân bóng trong 3 năm nhưng làm thế nào để ngăn người này xuất hiện trên các sân cỏ Việt Nam lại là câu chuyện khác.

Cổ động viên Trần Tiến Dũng - người túm cổ, nhổ nước bọt vào mặt trọng tài Hoàng Ngọc Hà - bị cấm đến sân vận động trong tất cả các trận đấu do VFF quản lý, tổ chức trong 3 năm. Tuy nhiên, làm cách nào để thực thi lệnh cấm này lại là câu hỏi không dễ tìm lời giải.

VFF không có cơ chế nào để buộc một cổ động viên không được đến sân trong thời gian lệnh cấm có hiệu lực. Việc đó nằm ngoài thẩm quyền của cơ quan này. Thực tế, đối tượng chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện quyết định kỷ luật kể trên là ban tổ chức các trận đấu, giải đấu và ban quản lý các sân vận động. Họ phải giải được bài toán làm sao không cho cổ động viên Trần Tiến Dũng xuất hiện trong các trận đấu.

Cấm CĐV nhổ nước bọt vào mặt trọng tài đến sân suốt 3 năm: Bất khả thi - 1

CĐV Trần Tiến Dũng (áo đỏ) bị cấm đến các sân vận động trong các trận đấu do VFF quản lý, tổ chức trong vòng 3 năm.

Điều này là bất khả thi trong bối cảnh bóng đá Việt Nam. Hầu hết vé bóng đá ở Việt Nam không mang tính định danh. Kể cả vé các trận đấu của đội tuyển Việt Nam ở các giải quốc tế mà người mua cần đăng ký bằng số chứng minh nhân dân, căn cước công dân cũng có thể được sang tay cho người khác. Cũng không có sân vận động nào thực hiện kiểm tra giấy tờ cá nhân của khán giả đến xem các trận đấu. 

Làm cách nào để đảm bảo rằng Trần Tiến Dũng không có trong hàng trăm, hàng nghìn thậm chí hàng vạn người đi qua cánh cổng sân vận động? 

Có nhiều câu hỏi như vậy được đặt ra trên các trang, nhóm về bóng đá Việt Nam trên mạng xã hội. Một người dùng bình luận: "Cấm như thế nào nhỉ? Trong khi vào sân đâu có kiểm tra chứng minh nhân dân?", hay "Đeo khẩu trang thì biết được là ai với ai đâu?".

Trách nhiệm của ban tổ chức các trận đấu là phải tìm ra phương án cho vấn đề này, nhưng nếu họ không làm được thì sao? Quy định về kỷ luật của LĐBĐ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2021) không có điều khoản nào nói về trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi không đảm bảo thực hiện được án phạt như vậy. Nếu cổ động viên bị cấm vẫn có mặt trên khán đài, ban tổ chức trận đấu cùng lắm chỉ bị quy vào điều 80 - không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cũng không có chế tài cụ thể được ghi trong đó.

Lệnh cấm mà Ban Kỷ luật VFF ban hành tạo ra thách thức không nhỏ cho ban tổ chức các trận đấu. Có lẽ việc thực thi lệnh cấm này phải trông cậy nhiều vào sự tự giác của cổ động viên Trần Tiến Dũng. 

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp