Có mặt ở TP.HCM từ năm 1997, thương hiệu phở bò Phú Gia xuất xứ từ Hà Nội ngay lập tức nhận được sự thu hút của thực khách. Sau gần 30 năm gầy dựng, ngoài chi nhánh chính nằm tại 146E Lý Chính Thắng (Phường 14, Quận 3), phở bò Phú Gia còn mở rộng thêm chi nhánh ở đường An Dương Vương, Quận 5.
Mới đây, quán nằm trong danh sách Michelin Selected - giải thưởng dành cho những nhà hàng, quán ăn có tiềm năng nhận sao Michelin do các thẩm định viên gợi ý cho thực khách.
Với 100.000 đồng, thực khách có thể thưởng thức được trọn vẹn tất cả các món phở tại Phú Gia. Ở đây, thực khách có thể lựa chọn phở tái lăn, phở tái nạm gầu vè, phở đặc biệt. Mỗi tô phở giá dao động từ 60 - 95.000 đồng.
Quán mở bán từ 6 -11h sáng và chiều từ 17h – 21h. Không gian quán nhỏ chỉ vỏn vẹn 8 bàn nhưng khách luôn đông, sẵn sàng chờ đợi để được thưởng thức tô phở ngon đậm vị.
Điều khiến phở Phú Gia trở nên đặc biệt ở TP.HCM là tô phở không ăn kèm với giá đỗ và rau.
Từ khi ra đời thương hiệu phở, chủ quán cho rằng rau sẽ làm mất mùi hương của nước dùng và vị thơm của thịt bò. Như vậy khách có thể tập trung thưởng thức từng miếng thịt bò và sợi phở mà không bị “xao nhãng”. Chủ quán cho biết, phở chuẩn Hà Nội không có rau, giá và tương đen, nếu có thì thành phở miền Nam, nên phải có sự khác biệt.
Theo anh Nguyễn Tuấn Trung (chủ quán), ông ngoại từng làm cho nhà hàng Phú Gia ở phố Hàng Trống (Hà Nội). Sau giải phóng, ông mở thương hiệu phở riêng và lấy luôn tên Phú Gia rồi truyền lại công thức cho các con lập nghiệp. Sau quãng thời gian kinh doanh ở Hà Nội, ba mẹ anh Trung quyết định Nam tiến. Gần 10 năm trở lại đây, anh tiếp quản quán tại TP.HCM.
Theo chủ quán, bí kíp làm nên thương hiệu là công thức cha truyền, con nối. Hương vị của tô phở không thay đổi từ lúc ông ngoại sáng lập thương hiệu đến nay.
“Thời bún đậu mắm tôm mới vào Nam, chưa nhiều người biết ăn, sau một thời gian ăn thành ra nghiện. Phở Phú Gia cũng vậy. Ban đầu người ta ăn cảm thấy vị nó kỳ nó lạ, nhưng khi ăn một lần hai lần đến lần thứ ba là gây thương nhớ”, anh Trung nói.
Món được thực khách yêu thích và nổi tiếng nhất là phở tái lăn. Thịt bò sau khi tẩm gia vị theo công thức gia truyền sẽ được xào tái trong nồi chảo dầu lớn. Đặc biệt khi xào không được để thịt quá chín bởi khi chan nước dùng lên thịt sẽ vừa chín tới. Như thế giữ được độ ngọt của thịt và khiến nó thơm ngon hơn, ăn mềm mà không bị dai.
Mỗi tô phở bò được bày biện đẹp mắt và hấp dẫn bởi bánh phở và thịt nằm phía bên trên, bề mặt phủ rất nhiều hành tây và hành lá. Ăn kèm với phở có chanh, hành tây, tỏi ngâm dấm, tương ớt và quẩy chiên giòn nếu khách gọi thêm.
Tại quán, nồi nước dùng lúc nào cũng sôi sùng sục. Nước dùng thanh đạm không nhiều màu mè nhưng lại tỏa mùi thơm thoang thoảng vì được đun nấu từ nhiều thứ gia vị, mỗi gia vị một ít làm cho hương vị hòa quyện. Để có được nồi nước dùng thơm, ngọt, ngon và đậm đà, chủ quán cho biết, quán ninh xương đều đặn 20 tiếng mỗi ngày.
Sau khi được Michelin vinh danh, anh Trung cho biết, cả gia đình rất vui mừng vì thương hiệu phở gia truyền được nhiều người biết đến hơn. Sắp tới, quán sẽ mở rộng, đẹp hơn để phục vụ lượng khách ngày một tăng.
Bình luận