Mới đây đã có một số ý kiến gây nên nhiều tranh cãi và băn khoăn trong giới bóng đá. Hai trong số này là của ông Võ Quốc Thắng, nguyên Chủ tịch CLB bóng đá Long An và ông Nguyễn Hồng Thanh, TGĐ Công ty Cổ phần bóng đá SLNA.
Ông Võ Quốc Thắng cho biết với tình hình bóng đá hiện tại, khó tìm được doanh nghiệp chịu đầu tư vào CLB. “Nếu các doanh nghiệp đầu tư vào đội bóng 100 tỷ đồng mà lãi 120 tỷ đồng thì quá tốt. Đằng này bỏ vào 100 tỷ đồng nhưng lại thu được có 20 tỷ đồng, lỗ 80 tỷ đồng mà cứ đầu tư tiếp thì chắc chết. Nếu có tiếp tục, họ cũng đầu tư cầm chừng. Như Tập đoàn Đồng Tâm tài trợ cho CLB 20 tỷ đồng/năm.
Nếu đội bóng hoạt động không đủ cũng phải chịu. Chẳng lẽ cứ phải bỏ tiền túi ra”. Theo ông Thắng thì tiền vé, kinh doanh áo đấu, đồ lưu niệm… đều khá bi đát.
Ông Nguyễn Hồng Thanh đã đi nhiều sân vận động ở châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và đều thấy rất sạch sẽ, từ nhà vệ sinh đến phòng chức năng, khán đài, dịch vụ ăn uống tiện lợi, phong phú. Trong khi đó sân vận động ở Việt Nam, “do nhếch nhác nên CĐV không thoải mái khi đến sân xem bóng đá. Chưa kể chất lượng chuyên môn V-League quá thấp. Đến sân chưa xem đã biết kết quả và xem trong sự ngờ vực về tính trung thực của trận đấu thì đến làm gì?”.
Ý kiến của ông Nguyễn Hồng Thanh rất xác đáng và cần được suy ngẫm, bởi nó phản ánh thực trạng chung của các đội bóng ở Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên cũng cần đặt lại một câu hỏi, vậy những người có trách nhiệm như ông Nguyễn Hồng Thanh đã làm gì để bóng đá Việt Nam rơi vào tình trạng trên?
Không cần đâu xa, hãy lấy chính SLNA của ông Nguyễn Hồng Thanh làm ví dụ. Vài năm trở lại đây, đội bóng xứ Nghệ thành tích ngày một xuống, đào tạo trẻ không giới thiệu được nhiều gương mặt xuất sắc như trước, trong khi sân Vinh thì mỗi ngày một èo uột.
Nhiều trận đấu ở V-League, chỉ vài trăm CĐV đến sân cổ vũ cho SLNA. Những người có trách nhiệm ở SLNA đã làm gì để đội bóng thoát khỏi tình trạng trên, hay mỗi năm chỉ chờ chực vài chục tỷ đồng từ ngân sách địa phương và nhà tài trợ để tiêu.
Có lẽ phải tiếc vì SLNA vốn là đội bóng có lực lượng CĐV đông đảo và nhiệt tình, chứ không khó khăn như các đội bóng khác ở Hà Nội hay TP.HCM. Đấy chính là tài sản lớn nhất mà SLNA đã bỏ phí bao nhiêu năm.
Khi nói về độ trung thực của V-League, ông Nguyễn Hồng Thanh hẳn cũng không thể không biết câu “vè” quen thuộc với SLNA: Hoan hô đội bóng tỉnh ta/Đi làm kinh tế ở xa mới về.
Trở lại với phát biểu của ông Võ Quốc Thắng, khi nói vấn đề trên, có lẽ ông Thắng quên ngoài là ông bầu của Long An, ông còn là Chủ tịch HĐQT VPF, đơn vị tổ chức giải đấu.
Thay vì than thở, ở vị trí này, người ta muốn nghe ông Thắng đưa ra giải pháp để V-League cũng như giải hạng Nhất hấp dẫn, chất lượng hơn, qua đó thu hút được doanh nghiệp tài trợ. Và cũng nên sòng phẳng với nhau, là khi đầu tư cho đội bóng, Đồng Tâm của ông Thắng có thực sự hướng tới thu tiền trực tiếp từ bóng đá, như tiền vé, lưu niệm, áo đấu…hay không, để bây giờ ông Thắng than thở các khoản trên đều bi đát?
Để bóng đá Việt Nam rơi vào tình trạng hiện nay, thì VFF, VPF và những người như ông Võ Quốc Thắng, ông Nguyễn Hồng Thanh nên hỏi nhau xem là vì sao.
Một dạo khi nói với các cổ đông ngân hàng SHB về việc đầu tư cho bóng đá, ông bầu Đỗ Quang Hiển từng khẳng định doanh nghiệp thu về “tiền tươi, thóc thật”. Cái “tiền tươi, thóc thật” ông Hiển nhắc tới là “sổ đỏ 5ha dưới chân cầu Tuyên Sơn (Đà Nẵng), sổ đỏ 14ha đất ở Liên Chiểu”, rồi thì trụ sở ở trung tâm Đà Nẵng… mà khi tái cấu trúc sẽ mang lại giá trị rất lớn cho SHB. Có thứ gì là nguồn thu trực tiếp do bóng đá đem lại?
Bình luận