Kỳ 1: Những sự thật chưa từng công bố
Một vụ án kéo dài 9 năm mới khởi tố, và hệ lụy của nó đã 37 năm vẫn chưa thể khắc phục. Qua lời kể của người vợ, những nhân chứng, bí mật bị vùi lấp dần được công bố. Nạn nhân, thiếu úy Lữ Anh Dồi bị chính đồng đội cầm súng bắn vì cho rằng phản quốc, đã trong sạch nhờ sự công tâm của pháp luật.
37 năm không bình yên
Tháng 7/2016, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã thống nhất đề nghị Bộ LĐTB&XH suy tôn ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ. Lữ Anh Dồi là nạn nhân trong một vụ án giết người, vu khống cách đây đã 37 năm. Vụ án đã khép lại từ đầu những năm 90, nhưng việc giải quyết chế độ cho Lữ Anh Dồi thì còn dai dẳng cho đến ngày hôm nay…
Cũng từ đây, dư luận 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu (trước đây cùng tỉnh Minh Hải) lại một lần xôn xao trở lại vụ án Lữ Anh Dồi, nguyên thiếu úy công an vũ trang bị đồng đội bắn chết một cách nhẫn tâm để nhằm thực hiện một âm mưu khác.
Hung thủ đã gây nên vụ án oan khuất, chấn động dư luận năm xưa cũng đã đền tội, nhưng những hậu quả mà vụ án để lại cho những người trong gia đình của Lữ Anh Dồi thì quả thật to lớn, không thể nào khỏa lấp. Vợ ông Lữ Anh Dồi, bà Nguyễn Thị Mai hiện nay đã ngoài 60 tuổi.
Bà đã dùng cả cuộc đời để minh oan, đòi lại danh dự cho chồng mình, nay tuổi đã cao nhưng tâm nguyện ấy vẫn chưa thành hiện thực.
Trong buổi chiều muộn, bà Mai bắt đầu cuộc trò chuyện với một niềm vui nho nhỏ. Đó là kết quả của chuyến đi ra Thủ đô Hà Nội vào khoảng 2 tuần trước, gặp những cơ quan cao nhất có trách nhiệm trong việc công nhận chồng bà là 1 liệt sĩ.
Đằng đẵng 26 năm kể từ ngày, phiên tòa xử vụ án Lữ Anh Dồi bị chết oan diễn ra, bà Mai chưa một ngày nào không nghĩ đến danh dự cho chồng.
“Tôi đã chờ từ ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm khác. Người ta cứ bảo tôi chờ, tôi còn biết làm gì nữa, tôi chờ thôi. Chờ đến ngày tôi còn sống và danh dự của chồng tôi được phục hồi”, bà Mai chậm rãi kể chuyện.
Câu chuyện bi thảm về cái chết của Lữ Anh Dồi, về hành trình kêu oan cho chồng đẫm máu và nước mắt của bà Mai lần lượt vỡ òa sau bao năm tháng tưởng như đã ngủ quên…
Cái chết của thiếu úy Lữ Anh Dồi
Năm 1979, bà Mai và ông Dồi đã nên vợ chồng được 3 năm. Cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn nhưng hạnh phúc luôn tràn đầy. Ông Dồi lúc này là thiếu úy công an vũ trang (nay thuộc lực lượng bộ đội biên phòng) của Ty Công an Minh Hải cũ (tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay).
Còn bà Mai là giáo viên của Trường Trung học Sư phạm Bạc Liêu. Vì tính chất công việc, ông Dồi phải đi công tác thường xuyên từ vài ngày, có khi cả tuần mới về thăm vợ.
Một ngày cuối tháng 3/1979, bà Mai đang loay hoay với sách vở trong thư viện Trường Trung học Sư phạm Bạc Liêu. Bất ngờ có người bạn tìm đến trường, báo tin cho bà Mai: “Anh Dồi chết rồi”. Người bạn buông câu nói, bà Mai lặng người, rồi bừng tỉnh hỏi dồn dập.
“Bạn tôi kể lại tình cờ biết được cái chết của anh Dồi. Đó là ngày hôm trước, ngay tại thị trấn Hộ Phòng, bạn đi ngang qua một đám đông đang xôn xao. Tò mò bước vào xem thì bạn tôi nhận ra anh Dồi đã chết, trên mình có nhiều vết đạn.
Thông tin duy nhất mà bạn tôi nghe được là chồng tôi chết vì tội phản quốc, móc nối quân ngụy, tổ chức vượt biên nên bị bắt. Vì chống cự nên ảnh bị công an nổ súng bắn”, bà Mai nhớ lại câu chuyện đau thương.
Để chắc chắn cái chết của chồng mình, bà nhờ người trong trường đánh điện về Ty Công an, nơi chồng làm việc để hỏi thêm lần nữa. Khi biết chồng thực sự đã nằm xuống, bà Mai bắt xe xuống Hộ Phòng ngay chiều hôm đó.Đến Hộ Phòng, bà được những người dân tốt bụng kể lại toàn bộ câu chuyện, diễn biến cái chết của chồng mình. Vào lúc buổi trưa, Lữ Anh Dồi và 1 người đồng đội đi uống cà phê về. Vừa bước chân vào cửa hàng thu mua thủy sản, lợi dụng lúc ông Dồi không để ý và dường như có sự chuẩn bị từ trước, người đồng đội này móc khẩu K54 đã lên đạn hướng về phía ông Dồi.
Tiếng súng nổ đanh thép giữa trưa vắng khiến người dân giật mình. Họ kéo đến cửa hàng thủy sản thì Lữ Anh Dồi đã tắt thở, trên mình nhiều vết đạn trúng chỗ hiểm. Người bắn Lữ Anh Dồi lăm lăm khẩu súng nói dõng dạc: “Tên này là sĩ quan ngụy ở Bến Tre, hắn mang quân hàm giả, xuống đây tổ chức vượt biên nên tôi bắn chết”.
Người dân nghe như thế thì quá kinh hãi, bởi ông Dồi và những đồng đội của mình không phải xa lạ đối với họ. Lực lượng công an vũ trang thường xuyên làm nhiệm vụ tại đây. Người dân vẫn biết đến Lữ Anh Dồi là thiếu úy công an, nhưng không ai dám hó hé nửa lời.
Ngay sau đó, một toán công an có mặt, xông vào lột quân phục của thi thể Lữ Anh Dồi, rồi đưa ông xuống mé song đầy sình lầy, cây dại để lấp đi tạm bợ…
Nghe xong câu chuyện hết sức xa lạ của bà con thị trấn Hộ Phòng, bà Mai lê những bước chân thiểu não đi tìm nơi chôn cất chồng. Băng qua những bãi đất sình lún cả bàn chân, bà Mai nhìn thấy giữa mặt nước xâm xấp có một mô đất cao được lấp bởi đám cây ô rô (môt loại cây dại).
Cùng người dân vạch đám cây dại ra, Lữ Anh Dồi nằm co quắp, trên mình độc một chiếc quần cộc, nét mặt vẫn còn nguyên nét kinh hoàng, bởi có lẽ chính ông không hiểu được vì sao mình chết.Bà Mai suy nghĩ, rồi quyết định để nguyên xác chồng như vậy. Bà muốn, chính thủ trưởng của chồng mình phải có trách nhiệm chôn cất đàng hoàng, không thể đối xử như con thú bị bắt chết, vứt đi… Đêm đó, bà ở lại Hộ Phòng, chờ trời sáng.
Sáng đó, lau nước mắt, bà Mai tìm đến Ty Công an Minh Hải, tìm gặp lãnh đạo của chồng để hỏi cho ra lẽ. Không ai tiếp, bà tìm đến nhà thủ trưởng trực tiếp của Lữ Anh Dồi - trung tá Nguyễn Ngọc.
Tiếp bà Mai ở ngay cổng nhà, ông thủ trưởng cao giọng nói: “Thằng Dồi phản bội Tổ quốc, móc ráp với quân ngụy tổ chức vượt biên, đến cuối cùng bị phát hiện vẫn ngoan cố chống đối, nó bị bắn chết là phải rồi. Có gì nữa đâu mà cô phải thắc mắc?”.
Nói rồi, ông thủ trưởng lạnh lùng quay lưng bước vào nhà, không kịp để bà Mai nói thêm câu nào.
Đêm hôm đó, bà Mai ngủ lại nhà những người dân tốt bụng ở Hộ Phòng. Thức gần trọn đêm, bà Mai trăn trở biết bao nhiêu với những thông tin mình biết được. Có điều, nói Lữ Anh Dồi có tội phản quốc thì thật vô lý.
Bà Mai nhớ lại: “Lúc đó tôi vẫn chưa tin bi kịch này xảy ra, nhưng tôi tin chắc chắn cái chết của chồng mình có vô vàn uẩn khúc. Ngay cả những người dân Hộ Phòng, họ cũng thắc mắc, cũng nhiều nghi vấn về cái chết của thiếu úy Lữ Anh Dồi. Nhưng, bắt đầu từ đâu để làm sáng tỏ cái chết chồng tôi?”
Sau đêm đầu tiên đầy cảm xúc và nước mắt ở thị trấn Hộ Phòng, bà Mai tiếp tục tìm đến Ty Công an Minh Hải, quyết tìm hiểu rõ sự thật. Gặp trung tá Nguyễn Ngọc, bà Mai chỉ nhận những câu trả lời phũ phàng, truy trách nhiệm cho người đã chết. Nhưng, người phụ nữ ấy vẫn không khuất phục.
“Nếu chồng tôi phải bội Tổ quốc, cấu kết với quân giặc thì tại sao các ông không bắt chồng tôi lại để khai thác thêm, làm rõ những người liên quan? Trái lại, cái chết của chồng tôi lại xảy ra bất ngờ và đầy mâu thuẫn như thế. Hơn nữa, dù sao chồng tôi cũng đã chết, các ông không thể “chôn cất” chồng tôi sơ sài bằng cách giấu xác vào bụi ô rô như một con vật như vậy được”, bà Mai chất vấn ông Ngọc trong cơn xúc động mạnh.
Trả lời những thắc mắc chính đáng của người phụ nữ mất chồng, ông Ngọc chỉ lạnh lùng quát mắng lại hoặc lảng tránh.
Trong một lần tìm ông Ngọc, bà Mai tình cờ gặp 1 người công an trẻ, mang hàm chuẩn úy. “Tôi không biết gì về người đàn ông này. Nhưng khi vừa chạm mặt tôi trong phòng làm việc của ông Ngọc, người này liền đưa tay vào bao súng, và rút súng ra. Khuôn mặt của anh ta rất đề phòng. Sau này tôi mới biết, đó chính là chuẩn úy Thái Văn Hùng, người đã bắn chồng tôi”, bà Mai kể lại.
Những thái độ khó hiểu của ông Ngọc, Thái Văn Hùng càng khiến cho bà Mai tin rằng, cái chết của chồng mình có nhiều điều mờ ám.
Bà Mai cũng thông tin thêm, trong thời gian quen biết rồi nên vợ chồng với Lữ Anh Dồi, bà chưa một lần nghe thấy chồng có ý định vượt biên hay có bất cứ biểu hiện gì bất thường. Giờ đây, ngay sau khi chồng vừa ngã xuống thì tội danh phản quốc đổ ập xuống đầu khiến bà choáng váng.
Những ngày sau khi chồng mất, bà Mai sống trong nước mắt và nỗi hoang mang không sao kể xiết. Đến ngày thứ 3, bà Mai vẫn gõ cửa những cơ quan cấp tỉnh để mong có một câu trả lời rõ ràng hơn cho cái chết của chồng mình.
Giữa lúc tâm trạng rối bời, hỗn độn, bà Mai sực nhớ từ ngày chồng mất bà chưa để tang, cúng cho ông 1 chén cơm để làm tròn đạo lý.
“Lúc đó, chị em trong trường cùng mấy cô giáo sinh chuẩn bị cho tôi 1 bộ tam sên (phần đồ cúng gồm thịt, trứng, tôm - PV) với một ít nhang đèn để tôi cúng cho anh ấy. Đó là cái ngày mà tôi chết lên chết xuống, một ngày mà trong cuộc đời tôi không thể nào quên được”, bà Mai chậm rãi nhớ lại.
Lúc đó trời đã vào chiều muộn, bà Mai cùng 1 cô giáo sinh xách giỏ đồ cúng ra trước cổng trường để bắt xe về Hộ Phòng. Để có thể lên 1 chiếc xe khách là một điều không hề đơn giản. Nếu có nhu cầu đi lại, bà Mai phải viết đơn xin và mua vé trước rất lâu.
Dù biết cơ hội lên được xe là rất thấp, bà Mai vẫn không bỏ cuộc. Bao nhiêu chiếc xe qua đi, không một chiếc nào dừng lại để rước bà Mai và cô giáo sinh tội nghiệp nọ. Sự chờ đợi cứ kéo dài trong im lặng đến thê lương mà không hề có tín hiệu khả quan. Bà Mai nước mắt ngắn dài, nghĩ đến chồng mà hành động…
Những người tốt vẫn còn rất nhiều
1 chiếc xe đò chạy tới gần ngã tư, nơi bà Mai và cô giáo sinh đang chờ đợi. Biết chiếc xe này cũng sẽ không chịu dừng lại rước mình, bà Mai bất chấp nhảy ra đường đứng chặn lại.
Chiếc xe thắng gấp, chỉ còn cách bà Mai chừng nửa mét. Người phụ nữ ấy, mặt không chút cảm xúc, không hề tỏ ra một chút sợ hãi. Người lơ xe mở cửa, nắm lấy tay bà Mai lôi thẳng bà lên xe. Cửa đóng lại, tài xế nhấn ga chạy thẳng.
Đến thị trấn Hộ Phòng lúc trời đã nhá nhem tối. Bà Mai thiểu não đi qua những dãy nhà leo lét ánh đèn dầu, tìm đường đến nơi chồng được chôn cất. Một số người phụ nữ nhận ra bà Mai, liền đi theo hỏi: “Ủa, tôi tưởng cô đi rồi? Chồng của cô được mấy ổng đưa khỏi chỗ cũ, cho vào hòm chôn chỗ khác rồi. Cách chỗ cũ cũng không xa đâu”.
Hỏi ra, bà Mai mới được biết, ngay sau khi bà nói với ông Ngọc về chuyện chồng mình được chôn cất tạm bợ, không được đối xử như 1 con người, ông trung tá Ngọc đã cho lính đào thi thể của Lữ Anh Dồi lên, để an táng lại.
“Để qua mặt người dân, ông ta nói rằng đó là hành nhân đạo dành cho kẻ phản quốc. Ông ta còn nói anh Dồi bị gia đình bỏ rơi hết rồi, không ai dám nhận 1 thằng mang tội danh phản quốc làm người thân”, bà Mai vẫn không giấu được bức xúc khi kể lại.
Trước nỗi lòng của bà Mai, những người phụ nữ ở thị trấn Hộ Phòng hết sức thương cảm. Họ an ủi bà Mai, biết được bà có ý định tới cúng cơm, thắp nhang cho chồng nhưng đồ cúng bị xe khách bỏ lại rồi, họ lọ mọ phân công nhau đi tìm.
Chỉ chưa đầy nửa tiếng, những người này mang đến cho bà Mai đầy đủ nhang đèn, đồ cúng, ngoài ra còn có 1 mảnh vải trắng để làm khăn tang. Cả nhóm người tay cầm ngọn đèn dầu leo lét, cùng nhau đưa bà Mai đến chỗ chôn cất mới của Lữ Anh Dồi.
Trước mộ chồng, bà Mai quỳ xuống thắp nhang, dùng dao lam cắt vải làm khăn tang quấn lên đầu. Buổi cúng kiến đó tuy diễn chóng vánh nhưng ý nghĩa vô cùng. Vì đó là lần đầu tiên sau 3 ngày Lữ Anh Dồi mất, anh được đối xử như 1 con người! Chính vì điều đó mà bà Mai đã không quản vất vả, hiểm nguy, bằng mọi giá phải có mặt trước mộ chồng.
Trước mộ chồng, bà Mai dùng dao lam rạch vào cánh tay trái của mình, thề sẽ đi tìm công lý dù bất cứ giá nào. Đến nay, vết sẹo ấy trên tay của bà Mai vẫn còn in hằn rõ.
Những ngày sau đó, bà Mai tiếp tục tìm đến các cơ quan Viện kiểm sát, Sở Tư pháp, Tòa án để kêu oan cho chồng. Đáp lại thỉnh cầu của bà, các cơ quan này đều trả lời giống nhau rằng đây là một vụ án của công an, và sẽ do công an giải quyết.
3 tháng sau, có người tìm đến bà Mai và nhà trường, nơi bà công tác. Người này quả quyết rằng Lữ Anh Dồi mang tội phản quốc và đã bị cấp trên phát hiện từ lâu. Nếu bà Mai vẫn tiếp tục gửi đơn đi khắp nơi, thưa kiện Thái Văn Hùng thì sẽ bị đuổi khỏi ngành giáo dục và bị bắt nhốt.
Những lời hăm dọa không khiến bà Mai mảy may run sợ, ngược lại càng khiến cho người phụ nữ này tin vào sự trong sạch của chồng. Bà Mai tiếp tục gửi đơn đến khắp nơi trong tỉnh Minh Hải.
Rồi đơn của bà cũng ra đến Trung ương với những hy vọng nhỏ nhoi và thời gian chờ đợi khủng khiếp. Sự gan lì, bất chấp này của bà Mai cũng khiến bà phải trả giá khá đắt. Đó là sức ép khiến bà Mai phải rời khỏi ngành giáo dục.
Những anh em của Lữ Anh Dồi làm việc Nhà nước cũng cùng chung số phận. Họ bất ngờ bị đuổi khỏi ngành với những lý do có liên quan đến người mang tội danh oan là phản quốc.
Cuộc sống của bà Mai dường như bị đảo lộn hoàn toàn từ ngày chồng mất. Hay đúng hơn là từ khi bà lập lời thề máu, hạ quyết tâm minh oan, đòi lại danh dự cho chồng.
Còn tiếp...
Nguồn: Nhóm PV(Tuổi trẻ đời sống)
Bình luận