Thịt lợn sạch phải đảm bảo 3 tiêu chuẩn về mặt lý học, hóa học, sinh học. Về mặt lý học, trong thịt không được có lẫn những vật nào ngoài thành phần của thịt, ví dụ như có thể là mẩu kim gãy còn giắt vào trong thịt do con vật bị tiêm chích khi còn sống. Về mặt hóa học, thịt không được có các chất tồn dư của thuốc, hoặc những hóa chất mà con vật ăn vào. Về mặt sinh học, thịt sạch không có ký sinh trùng và vi trùng.
Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, để nhận biết thịt lợn có thật sự sạch hay không thì phải xem xét từ chuỗi cung ứng thịt.
"Nếu chuỗi cung ứng được tổ chức chặt chẽ tất cả các khâu thì sẽ có thịt lợn sạch, còn nếu chuỗi cung ứng tạp nham, ví dụ lấy thịt lợn từ con lợn sắp chết, sau đó bán... thì không phân biệt được", ông nói. "Vì vậy, khi nhìn thịt lợn tại các quầy hàng, người mua chỉ có thể nhận định nó có tươi hay không, còn bản chất sạch hay không rất khó để biết".
Theo giáo sư, miếng thịt lợn tươi ngon sẽ có màu đỏ nhạt hoặc màu hồng tươi, khi cắt, miếng thịt sẽ thấy màu hồng sáng, mềm mại, phần mỡ heo có màu sáng. Ngược lại, thịt heo ôi có màu sắc nhợt nhạt. Khi sờ vào miếng thịt sẽ thấy nhớt, phần tủy bị tróc ra khỏi thành ống, màu sắc tối hoặc ngả nâu. Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc sẽ có màu sẫm hơn thịt heo sạch thông thường, thịt có những đốm đỏ xuất hiện trên da.
Bên cạnh màu sắc, cần nhận ra mùi miếng thịt để chọn được loại tươi ngon. Thịt tươi sẽ có mùi đặc trưng. Nếu có mùi hôi khó chịu và tanh cho thấy miếng thịt không tươi, thậm chí bị ôi hoặc thịt lợn có chất tạo nạc.
Một trong những dấu hiệu quan trọng cần biết khi mua thịt heo là độ đàn hồi. Dùng ngón tay ấn vào thịt rồi buông ra để kiểm tra, thớ thịt đàn hồi nhanh và có màu đỏ hồng chứng tỏ thịt tươi. Trường hợp thớ thịt nhão và da dày thì đó là lợn nái. Còn thớ thịt nhão và lớp mỡ vàng là lợn bị bệnh. Nếu chạm tay vào bề mặt thịt lợn có chất tạo nạc sẽ thấy thịt không có độ đàn hồi do bị ứ nước bên trong. Khi thái thịt thành các miếng, thịt mềm nhũn, không đứng được, có nước gỉ ra. Thịt lợn tươi ngon và an toàn sẽ chắc thịt, khi thái không có nước gỉ ra.
Về kết cấu, loại thịt lợn có lớp mỡ mỏng, không bám chắc vào da và thịt (liên kết giữa nạc và mỡ tách rời rõ rệt), có độ dày chưa đến một cm thì có thể đó là lợn nuôi bằng chất tạo nạc. Trong khi đó, thịt lợn sạch thường có lớp bì dày, mỡ dày khoảng 1,5 - 2 cm và phần thịt nạc dính chặt với nhau. Nếu lớp mỡ và bì càng dày thì chứng tỏ đó là lợn nuôi lâu năm và không bị nuôi tăng trọng.
Theo giáo sư, phổ biến nhất là lợn nhiễm giun sán. Người tiêu dùng cần quan sát kỹ trước khi mua, nhất là những vùng thịt có gân mỡ như thịt vai, thịt bắp, thịt thủ... nếu thấy những hạt như hạt gạo nếp (ấu trùng sán tập trung thành từng bọc) thì không nên mua. Khi thái thịt, có thể cắt thịt theo thớ dọc, nếu thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì thực phẩm này đã bị nhiễm kén sán.
Với thịt lợn bị ôi, người bán hàng thường tẩm ướp hàn the, muối diêm... để đánh lừa cảm quan người tiêu dùng là thịt vẫn còn tươi. Do đó, khi mua thịt người tiêu dùng cần lưu ý miếng thịt có tẩm hàn the rất tươi, cầm thấy cứng nhưng khô, thớ thịt săn, không dính. Khi cắt sâu vào bên trong, thịt khá nhũn, chảy dịch, có mùi, có độ đàn hồi kém.
Giáo sư Thịnh khuyến cáo, cần mua thịt ở những cơ sở uy tín, đảm bảo. Hiện nay, siêu thị là nơi được coi là nơi cung cấp an toàn hơn so với các hàng bán rong hay chợ. Trong trường hợp không xác định được rõ nguồn gốc của thịt, khi mua về cần trần qua nước sôi. Nếu thấy có các biểu hiện bất thường như khi thái thịt, các thớ thịt, bắp thịt nếu có bọc nhỏ màu trắng phải loại bỏ ngay vì đó là kén sán.
Bình luận