Rau má là loại rau mọc dại ven đường nhưng lại rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ép nước, rau má cũng được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Đặc biệt là món canh rau má. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách nấu canh rau má không bị đắng, tốt cho sức khỏe.
Tác dụng của rau má
Rau má (Centella asiatica) còn có tên khác là liên tiền thảo, tích tuyết thảo, thường ở những nơi râm mát, ẩm ướt, đất mùn tơi xốp tại các vùng châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam... Ngoài ra, các nước Trung và Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông cũng có rau má.
Rau má không chỉ là loại rau để ăn như các gia đình Việt vẫn quen dùng, mà còn là vị thuốc phổ biến ở nước ta cũng như nhiều nước châu Á khác. Công dụng chữa bệnh của rau má đã được nhiều nghiên cứu chứng minh.
Các lợi ích tuyệt vời của rau má:
Chữa các bệnh về tĩnh mạch
Rau má có thể giúp giảm sưng và tăng cường lưu thông máu huyết với những người bị bệnh về tĩnh mạch như suy tĩnh mạch (một căn bệnh gây ứ máu ở chân).
Một nghiên cứu được công bố trong ngành mạch học vào năm 2001 đã cho đối tượng bị tăng huyết áp tĩnh mạch dùng giả dược hay rau má và theo dõi họ trong 4 tuần. Kết thúc thời hạn, những triệu chứng như phù mắt cá, sưng tấy, đau nhức, chuột rút, mệt mỏi ở chi dưới đều giảm rõ rệt ở những nhóm uống rau má.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng dùng rau má khoảng 180mg một ngày có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng liên quan đến cao huyết áp.
Phục hồi vết thương
Vốn được dùng để trị các vết thương nhẹ, rau má chứa các hóa chất được gọi là triterpenoids được cho là có tác dụng đẩy nhanh tốc độ hồi phục, tăng các chất chống oxy hóa ở vùng da bị thương, giúp da khỏe mạnh và tăng cường lưu thông máu huyết đến vùng cơ thể bị thương.
Một nghiên cứu vào năm 2006 thử nghiệm tác dụng hồi phục của rau má đối với các vết thương ở chuột. Kết quả, các vết thương được điều trị bằng chiết xuất lá rau má hồi phục nhanh hơn rất nhiều so với các vết thương không được chữa trị. Dù vẫn còn thiếu các thử nghiệm trên người nhưng bằng chứng này có vẻ đã củng cố cách dùng truyền thống của rau má: một loại thảo dược trị thương.
Giảm lo âu
Chất triterpenoid trong rau má giúp bạn giảm lo âu và tăng cường các chức năng thần kinh đối ở nhiều người. Theo một nghiên cứu vào năm 2000 được đăng trên tạp chí Bệnh học Tâm thần lâm sàng, bệnh nhân thường ít bị giật mình bởi tiếng ồn hơn từ 30-60 phút kể từ khi uống rau má.
Dù nghiên cứu này cho thấy rau má có thể chống lo lắng ở người nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định rõ hiệu quả của rau má trong việc điều trị các triệu chứng lo lắng.
Cải thiện khả năng nhận thức
Các nghiên cứu cho thấy rau má ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận thức. Nguyên nhân chính là do chiết xuất rau má tác dụng tích cực đến hệ tuần hoàn trong cơ thể, giúp đẩy mạnh oxy hóa trong não và cải thiện các hoạt động nhận thức. Chất chống oxy hóa trong rau má cũng góp phần kích thích các đường dẫn thần kinh bằng cách xóa bỏ các mảng bám và các gốc tự do trong não.
Điều này biến rau má trở thành một loại “thuốc bổ” phổ biến dành cho người cao tuổi, bởi đã có nghiên cứu chứng minh rau má có thể giảm tốc độ ảnh hưởng của bệnh Alzheimer và chứng mất trí.
Cách nấu canh rau má không bị đắng, tốt cho sức khỏe
Nguyên liệu
1. Rau củ: 200-300gr rau má, 2 củ hành tím
2. Tôm khô: 100gr
3. Thịt bằm: 100gr
4. Gia vị: Nước mắm, muối, hạt nêm
Cách nấu canh rau má cùng tôm khô, thịt bằm
- Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
Bạn nhặt lấy phần lá rau má, bỏ phần rễ rồi rửa sạch và để ráo. Bóc vỏ hành tím và băm nhỏ. Với tôm khô, bạn rửa qua với nước cho sạch rồi ngâm tôm trong nước khoảng 4-5 phút rồi rửa lại và để ráo.
- Bước 2: Nấu canh rau má cùng tôm khô, thịt bằm
Bạn cho vào nồi 1 thìa cà phê dầu ăn và phi thơm phần hành tím đã băm nhỏ. Khi hành sém cạnh, dậy mùi thơm, bạn thêm tôm khô và thịt bằm vào cùng 1 thìa cà phê muối. Đảo đều tay trên ngọn lửa nhỏ khoảng 1 phút để tôm và thịt chín.
Tiếp theo, bạn thêm vào nồi khoảng 500ml nước cùng 1 thìa canh hạt nêm. Đậy vung và đun cho tới khi nước sôi thì thả rau má vào, dìm rau xuống, giảm lửa và nấu khoảng 3-4 phút. Cuối cùng, bạn nêm nếm lại với chút mắm nếu cần và tắt bếp. Múc canh ra bát là có thể thưởng thức được rồi!
Trên đây là cách nấu canh rau má không bị đắng, tốt cho sức khỏe. Nếu không thích tôm hoặc thịt bằm, chị em có thể thay bằng sườn heo cũng được nha.
Bình luận