• Zalo

Cách dùng mắt thường để mua tôm không bị 'mông má' bằng tạp chất

Kinh tếThứ Tư, 02/12/2015 07:02:00 +07:00Google News

Cách nhận biết tôm bơm tạp chất chỉ bằng mắt thường giúp các bà nội trợ tránh mua tôm không bị 'mông má' bằng tạp chất

(VTC News) - Để mua được tôm tươi ngon, người tiêu dùng nên chọn những con tôm còn đang nhảy tanh tách, thân mềm gắn chặt với đầu, đuôi xếp đều và cụp xuống, và đặc biệt là còn đầy đủ râu, càng, gai và các chân.

Có thể nói tôm là một loại hải sản thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng, giá thành lại ở mức trung bình nên được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy nhiên trong những năm qua, liên tiếp các vụ việc bơm tạp chất vào tôm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm được phát hiện, khiến cho người tiêu dùng vô cùng hoang mang trước nguy cơ những con tôm độc hại đó có thể vào bữa cơm hàng ngày của gia đình.
Hình ảnh tương quan giữa tôm bơm tạp chất và tôm tươi sạch
Hình ảnh tương quan giữa tôm bơm tạp chất và tôm sạch 

Mới đây nhất, vào ngày 25/7, vụ việc hai cơ sở kinh doanh tại Thừa Thiên - Huế bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Công an tỉnh bắt quả tang đang bơm hóa chất vào tôm sú nhằm tăng trọng lượng cho tôm đã gây rúng động dư luận cả trong và ngoài nước.

Tại hai cơ sở trên, cảnh sát môi trường đã thu giữ 150 kg tôm sú chết, 202 kg tạp chất và 80 kim tiêm. Theo một cán bộ điều tra, hóa chất bơm vào tôm là bột agar (bột thạch rau câu). Sau khi bơm hóa chất này vào, tôm đông lạnh từ màu nhợt nhạt sẽ có màu tươi sống.

Theo kết quả điều tra ban đầu, hai cơ sở kinh doanh này thường xuyên thu gom tôm sú chết, rồi bơm bột agar vào tôm nhằm mục đích tăng trọng lượng và làm tôm có màu sắc tươi ngon.

Ngoài ra, hai cơ sở này cung cấp tôm cho các nhà hàng tiệc cưới tại Thừa Thiên – Huế từ năm 2012, cho đến nay mới bị phát hiện ra kiểu làm ăn giết người tiêu dùng như vậy.

Video: Cận cảnh quá trình "phù phép" biến tôm ươn thành tôm tươi bằng tiêm tạp chất
Theo các chuyên gia về thực phẩm, tôm bơm tạp chất sẽ có thân phình to, bóng mướt, trọng lượng sẽ tăng lên. Dung dịch bơm tôm chủ yếu là tinh bột như Agar (bột rau câu) hay CMC (chất ổn định dùng để kiểm soát độ nhớt của thủy hải sản)…

Các loại chất này sẽ được nấu chín, hoặc hòa với nước thành dung dịch sệt, sau đó được tiêm chích trực tiếp vào đầu, thân hoặc đuôi tôm bằng ống tiêm y tế.


Ngoài ra, theo anh Đỗ Tấn Minh, đại diện của một cơ sở nuôi tôm sạch mô hình chuẩn VietGAP tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cho biết, ngoài việc bơm tinh bột vào tôm để tăng trọng lượng thì ngay trong quá trình nuôi giống, tôm có thể được cho ăn các loại hóa chất vượt mức cho phép, ví dụ như thuốc tăng trọng giúp cho con tôm lớn rất nhanh.

Ngoài ra, khi sơ chế, người ta còn có thể bơm nước muối, thậm chí là bơm glixerin - chất từ thủy phân chất béo vào tôm.

Hiện tượng này không chỉ bị phát hiện ở tôm được bán tại thị trường trong nước, mà còn bị một số nước nhập khẩu tôm của Việt Nam cảnh báo khá nhiều lần.

Vậy, làm thế nào để có thể tránh mua phải tôm bơm tạp chất?

Theo kinh nghiệm chia sẻ của anh Mình, đặc điểm dễ nhận dạng tôm đã được "mông má" bằng tạp chất nhất chính là phần đuôi, bởi đuôi con tôm sẽ bị tòe ra, mỗi nhánh theo một hướng chứ không xếp đều và cụp xuống.

Thân tôm bị bơm tạp chất , bột hoặc hóa chất thường thẳng, cứng do căng mọng bất thường, các đốt trên thân tôm bị giãn nhiều, đặc biệt là đốt nối giữa thân và đầu tôm.
 Các đốt trên thân tôm bị bơm tạp chất giãn nhiều, đặc biệt là đốt nối giữa thân và đầu tôm.
Mang những con tôm bị bơm rất cứng, thẳng và phồng căng. Khi chế biến, tôm sẽ ra nhiều nước, ăn bị nhạt, bở, thịt và vỏ không gắn chặt với nhau.

Các chuyên gia thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng, bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận biết được tôm bẩn và tôm sạch, tuy nhiên tốt nhất là nên mua những con tôm còn sống, nhảy tanh tách hoặc thậm chí còn đang bơi.

Nên chọn những con tôm có vỏ đậm màu, sáng bóng, thân mềm và gắn chặt với phần đầu, còn phần đuôi xếp đều nhau và cụp xuống, đặc biệt là con tôm phải còn đầy đủ râu, càng, gai và các chân.

Trong trường hợp bất đắc dĩ mua tôm đông lạnh hoặc đã chế biến sẵn, người tiêu dùng nên kiểm tra bằng cách cầm đầu và thân tôm rồi kéo thẳng ra một cách nhẹ nhàng.

Nếu các khớp nối trên vỏ tôm khít nhau thì đó là tôm tươi sạch, còn nếu những khớp này không khít thì đó là tôm cũ và có thể là tôm bơm tạp chất.

Người tiêu dùng cũng có thể chú ý hơn trong cách mua từng loại tôm qua màu sắc của chúng. Ví dụ như tôm sú thì nếu có màu hồng phớt thì là tôm ươn, tôm sắt nếu có màu hồng đậm thì có khả năng đã bị để lâu và bị bơm hóa chất.

Video: Rùng mình với công nghệ biến tôm ươn thành tôm tươi
Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn