Theo quan niệm dân gian Việt Nam, hết 3 ngày tết, các gia đình lại sửa soạn mâm lễ để tổng kết và tiễn ông bà về âm cảnh. Lễ cúng này được gọi là lễ hóa vàng.
Ý nghĩa lễ hóa vàng
Theo truyền thống của người Việt Nam, trước ngày Tết Nguyên đán, các gia đình thường thực hiện nghi thức mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu, gia đình. Khi Tết kết thúc, cần thực hiện lễ hóa vàng để đưa tiễn ông bà, tổ tiên. Chính vì thế, lễ hóa vàng còn được gọi là lễ đưa tiễn ông bà, lễ hóa vàng cho tổ tiên...
Trước đây, lễ hóa vàng thường được thực hiện vào ngày mùng 3 hoặc mùng 7 Tết (khai hạ). Tuy nhiên ngày nay tùy theo vùng miền, địa phương, lễ này có thể diễn ra từ mùng 3 tới mùng 10 tháng Giêng. Để thực hiện nghi lễ hóa vàng tiễn đưa tổ tiên, ông bà, các gia đình chuẩn bị một mâm cơm cúng. Sau khi kết thúc tuần hương, họ sẽ đốt vàng mã đã được cúng trong suốt dịp Tết.
Mâm cỗ cúng hóa vàng
Lễ vật hóa vàng thường được chuẩn bị giống với đồ lễ cúng gia tiên của gia chủ. Lễ vật dâng cúng gồm:
- Hương, hoa, nước, quả (ngũ quả)
- Trầu cau
- Rượu
- Đèn, nến
- Bánh kẹo
Mâm cỗ cúng hóa bàng có thể là cỗ mặn hoặc cỗ chay với các món mang đặc trưng ngày Tết. Nếu là cỗ mặn thì không thể thiếu con gà trống, bát canh, đĩa xào, giò, hay nem rán.
Trong lễ hóa vàng, người dân thường đốt vàng mã vì nghĩ rằng "trần sao âm vậy", cần biếu tiền bạc để ông bà có cái chi tiêu. Theo tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt hai cây mía dài để làm “đòn gánh” cho người ở cõi âm, cũng là vũ khí để xua đuổi quỷ dữ.
Ngày nay, việc đốt vàng mã trong lễ hóa vàng được khuyến cáo hạn chế tối đa để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường sống, giảm nguy cơ gây hỏa hoạn.
Điều quan trọng là bàn thờ cần hương khói đầy đủ trong 3 ngày Tết và các nghi lễ khấn cúng được thực hiện với sự kính cẩn của gia chủ.
Bình luận