Đúng như tên gọi, lốp dự phòng được nhà sản xuất trang bị để thay thế 1 trong 4 lốp chính gặp sự cố như thủng lốp, nổ lốp, dính đinh...Vì vậy, lốp dự phòng nên được bảo quản để luôn trong tình trạng tốt nhất. Thực tế, nhiều người dùng bỏ qua việc kiểm tra lốp dự phòng khiến lốp bị xuống cấp, hư hỏng...dẫn đến không sử dụng được khi cần.
Dưới đây là cách bảo quản giúp lốp dự phòng trên ô tô luôn trong tình trạng tốt nhất:
Kiểm tra áp suất lốp
Để dự phòng cho những tình huống khẩn cấp, chủ xe nên chú ý đến áp suất lốp dự phòng. Dù ít sử dụng nhưng theo thời gian, áp suất lốp dự phòng vẫn giảm dần. Do đó, khi bảo dưỡng 4 lốp xe, nên kiểm tra và bơm hơi cho lốp dự phòng.
Theo khuyến cáo của một số nhà sản xuất, lốp dự phòng cần bơm căng hơn so với 4 lốp còn lại.
Vệ sinh lốp
Chủ xe có thể dùng khăn vải khô lau sạch lốp thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn. Cách này có hiệu quả trong việc giữ lốp dự phòng ở tình trạng tối ưu.
Đảo lốp
Tùy theo mỗi mẫu xe, lốp dự phòng có thể được trang bị cùng thông số, kích thước, nhãn hiệu...như 4 lốp trên 4 bánh xe.
Tài xế có thể dùng lốp dự phòng nếu muốn đảo lốp. Lốp dù mới nhưng để lâu không sử dụng cũng xuống cấp theo thời gian. Vì vậy, việc đảo lốp chính và lốp dự phòng để cao su lốp không bị giòn. Có thể hoán đổi lốp trước ra phía sau hoặc ngược lại để độ mòn đều.
Hạn chế ánh nắng trực tiếp
Nếu lốp dự phòng để bên ngoài, hãy đảm bảo lốp được che chắn khỏi ánh nắng mặt trời. Bởi tia UV có thể làm cao su của lốp lão hóa, nứt nẻ. Có thể sử dụng vỏ bọc để bảo vệ lốp.
Tránh ẩm ướt
Hãy đảm bảo lốp không bị ẩm để tránh hiện tượng gỉ sét trên la-zăng hoặc gây mục nát cho lốp.
Tránh tiếp xúc với hóa chất
Luôn đảm bảo lốp dự phòng không tiếp xúc với các loại hóa chất như dầu, mỡ, xăng...vì có thể làm hỏng cao su của lốp.
Bình luận