Cô Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đến hết ngày 6/2, mọi công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường đã sẵn sàng. “Ngay khi nhận được thông báo về việc dạy học trực tiếp với học sinh từ lớp 7-12, ngày 25/1, nhà trường tập trung giáo viên và một số phụ huynh dọp dẹp, làm vệ sinh trường lớp, đến ngày 6/2 - ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi tiếp tục dọn vệ sinh lần thứ 2 để đảm bảo an toàn", cô nói.
Trường THCS Khương Đình cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất như phòng cách ly khi phát hiện các ca mắc, nghi mắc COVID-19, máy đo thân nhiệt, nước khử khuẩn, khẩu trang…và đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh yên tâm và phối hợp tốt với nhà trường khi đưa con đến trường học trực tiếp.
Hiệu trưởng trường THCS Khương Đình cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, từ ngày 8/2, học sinh các khối 7,8, 9 sẽ học trực tiếp, riêng khối lớp 6 tiếp tục học trực tuyến. Để đảm bảo giãn cách, trường chia thành 2 ca học, trong đó học sinh khối 8, 9 học buổi sáng, học sinh khối lớp 7 học buổi chiều.
Với những học sinh là F0, F1 hay các em đang sinh sống tại vùng “cam”, vùng “đỏ” không thể đến trường học trực tiếp, có thể theo dõi bài giảng qua hệ thống camera được lắp đặt tại các lớp học.
“Hiện chúng tôi đã hoàn tất thời khóa biểu, nhưng việc kết hợp giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp giữa các khối lớp cũng sẽ khiến giáo viên vất vả hơn. Buổi sáng, nhiều thầy cô vừa dạy trực tiếp ở các lớp khối 8, 9 vừa dạy trực tuyến cho học sinh lớp 6. Để đảm bảo quá trình này được diễn ra thuận lợi, nhà trường đã nâng cấp các gói mạng internet, chuẩn bị sẵn 7 phòng dạy học trực tuyến dành cho 7 lớp khối 6 để giáo viên tiện di chuyển, đồng thời động viên các thầy cô khắc phục khó khăn để việc dạy học đạt kết quả cao. Trong quá trình triển khai thực tế, nếu gặp bất cập, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh”, cô Hiền cho biết.
Cô Nguyễn Thị Kim Thuý, Hiệu trưởng Trường THCS Đô Thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) cho hay, trường đã xây dựng kế hoạch và kịch bản chi tiết với 7 nội dung gồm hướng dẫn, phân luồng giao thông khi học sinh tới trường (phụ huynh đưa đón, học sinh đi bộ, học sinh đi xe đạp, xe đạp điện); Hướng dẫn học sinh vào trường, vào lớp đảm bảo công tác phòng chống dịch; Hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập tại lớp; Xử lý các tình huống khi phát hiện F0 tại trường; Xử lý các tình huống khi có học sinh nghỉ học vì nhiễm Covid-19 tại lớp; Hướng dẫn học sinh ra về khi kết thúc buổi học đảm bảo giãn cách theo quy định; Đảm bảo công tác phân luồng giao thông khi học sinh tan học.
“Để bảo đảm mọi khâu chuẩn bị được chu đáo đến từng chi tiết, nhằm chủ động cho mọi tình huống có thể phát sinh khi đón học sinh trở lại trường, ngay sau kết thúc lịch nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường đã tổ chức diễn tập lại một lần nữa. Chúng tôi muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh hãy an tâm, tin tưởng vào chỉ đạo chung của địa phương và trách nhiệm của ngành giáo dục.
Các chuyên gia y tế đã đưa ra khuyến cáo về mức độ an toàn cũng như chỉ ra những hệ luỵ và thiệt thòi khi thời gian đi học trực tiếp tại trường của học sinh bị gián đoạn quá lâu. Mong các bậc phụ huynh phối hợp cùng nhà trường để mọi học sinh đều được thụ hưởng quyền được đi học với việc tuân thủ các yêu cầu phòng dịch nghiêm ngặt”, cô Thúy nói.
Còn tại trường THCS Đức Giang (Long Biên, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, mọi công tác chuẩn bị đón học sinh đi học trực tiếp đã thực hiện xong từ trước khi nghỉ Tết Nhâm Dần. Nhà trường cũng đã xây dựng kịch bản khi trong trường có F0, F1…
“Khi học sinh đi học trực tiếp, chúng tôi phân khối 7 học chiều, khối 8, 9 học sáng. Ngoài cổng trường có sơ đồ hướng dẫn, phân luồng theo từng khu cho từng khối…Khâu nào cũng có thầy cô trực tiếp hướng dẫn. Nhà trường cũng phân chia mỗi khối học 1 dãy nhà…ở trong lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ hướng dẫn học sinh về công tác khử khuẩn, chỗ ngồi…Đối với việc nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, chúng tôi sẽ kết hợp tuyên truyền trên loa và giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở thường xuyên…”, cô Huyền nói.
Tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, để đón học sinh từ lớp 7 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 8/2, Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì hướng dẫn và yêu cầu các trường THCS chỉ dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2. Học sinh cư trú trên địa bàn có mức độ dịch cấp độ 3, cấp độ 4 không đến trường học mà ở nhà học trực tuyến, nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên giảng dạy cho các em.
Đến nay, 100% trường THCS đã đủ tiêu chí an toàn trường học theo hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT và Sở Y tế Hà Nội, đảm bảo sẵn sàng về cơ sở y tế và kế hoạch dạy học, phương án phòng chống dịch và thông báo tới 100% phụ huynh về thời gian đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Cụ thể ngày 7/2, học sinh khối 9 học trực tiếp, ngày 8/2, học sinh khối 7,8 sẽ trở lại trường và ngày 10/2, học sinh lớp 6 cũng sẽ đến trường.
Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì cũng đã yêu cầu các nhà trường quán triệt đến toàn thể giáo viên phối hợp cùng phụ huynh trao đổi thông tin, rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất dạy và học, đảm bảo khung cảnh sư phạm trường lớp, công tác vệ sinh môi trường và các điều kiện về phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại đơn vị; Tổ chức ký cam kết giữa Hiệu trưởng với 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo các quy định, hướng dẫn của các cấp...
Cũng theo ông Ngát, các trường cần linh hoạt điều chỉnh kế hoạch năm học và tổ chức thực hiện chương trình nhà trường, tùy theo thời lượng còn lại của năm học, lựa chọn mục tiêu, nội dung cốt lõi, cần thiết…
Bình luận