• Zalo

Hà Nội mở cửa trường sau Tết Nguyên đán: Phụ huynh, giáo viên nói gì?

Diễn đànThứ Ba, 25/01/2022 12:14:14 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau Tết Nguyên đán (ngày 8/2) Hà Nội sẽ mở cửa trường đón học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 học trực tiếp, phụ huynh và giáo viên nói gì về quyết định này?

Nhận được thông tin Hà Nội cho phép trường học mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán (từ ngày 8/2), chị Nguyễn Ngọc Linh Chi (42 tuổi) ở Ba Đình, Hà Nội vui mừng ủng hộ phương án trên.

Sẵn sàng cho con đi học

Chị nhận thấy, việc các con ở nhà quá lâu không những ảnh hưởng đến kết quả học tập mà nặng hơn là tâm lý bất ổn. Các con cần đến trường để cuộc sống gia đình trở lại nhịp sống vốn có. Đặc biệt, khi đi học trực tiếp, cô con gái lớp 9 của chị sẽ thêm thời gian học tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi vào lớp 10 cam go.

Mặt khác, chị Linh và chồng cũng chuẩn bị sẵn tâm lý cho trường hợp xấu nhất, nếu không may con mắc COVID-19 thì gia đình sẽ cùng con ở nhà chiến đấu với dịch bệnh. Chị chấp nhận nguy cơ đó bởi con đã tiêm hai mũi vaccine.

Phụ huynh có sẵn sàng cho con đi học trực tiếp?

Có hai con đang học lớp 8 và lớp 12, anh Lâm Quang Hưng (45 tuổi, ở Hoàn Kiếm) vui mừng trước thông tin sau Tết các con sẽ đi học trực tiếp. Khi năm học mới bắt đầu, hai vợ chồng đã bàn trước các kịch bản, phân công cụ thể nhiệm vụ từng người ở từng giai đoạn. Thậm chí, gia đình còn tính tới tình huống xấu có thể phải học online đến hết năm. Thật may, kịch bản xấu nhất này không thành hiện thực.

Anh Hưng cho rằng, trong thời gian không đến trường, các con vẫn thường được gia đình cho đi chơi, đi siêu thị... nên ở nhà chưa chắc đã an toàn hơn đi học. Mặt khác, bố mẹ vẫn đi làm và có thể mang bệnh về nhà. Do vậy, quyết định mở cửa trường học để thích ứng là hợp lý và được các phụ huynh ủng hộ.

Hà Nội mở cửa trường sau Tết Nguyên đán: Phụ huynh, giáo viên nói gì? - 1

Học sinh ngoại thành Hà Nội học trực tiếp sau thời gian nghỉ dài. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)

Đồng quan điểm, anh Trần Bảo Trung (37 tuổi) ở quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ, bên cạnh thành tích học tập, gia đình luôn coi trọng sức khoẻ, tâm lý của con. Ở nhà quá lâu khiến tâm lý trẻ bất ổn, ngại giao tiếp, không hoà đồng và thích ở một mình Nếu kéo dài thêm việc nghỉ học sẽ để lại hệ quả tâm lý khó lường với trẻ.

Anh và vợ nhiều lần tự hỏi "Nếu con nhiễm COVID-19 ở trường sẽ ra sao? khi để con đến trường, nhưng anh vẫn tin vào việc phòng dịch ở trường học. Hơn nữa, các nghiên cứu hiện nay đều cho thấy trẻ bị nhiễm COVID-19 thường nhẹ và nhanh khỏi trong 7 ngày. Đó là lý do anh sẵn sàng để con đến trường, chấp nhận sống chung với dịch bệnh và rủi ro có thể mắc nCoV.

Giáo viên mừng lo xen lẫn

Cô Bùi Lan Hương, giáo viên trường THCS Hai Bà Trưng hào hứng chuẩn bị lì xì cho học sinh trong ngày đầu trở lại trường sau Tết Nguyên đán. Cô ủng hộ phương án Hà Nội mở cửa trường học sau hơn 9 tháng đóng cửa. 

"Trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến của phụ huynh về việc cho con đi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán. Kết quả, hơn 90% phụ huynh đồng ý, chỉ còn lại một số gia đình chưa đồng ý do lo ngại dịch bệnh căng thẳng", cô Hương nói. Bản thân cô cũng có chút lo lắng khi những ngày gần đầy F0 ở Hà Nội cao. Cô và nhà trường đang cố gắng đưa ra nhiều kịch bản xử lý để hạn chế tối đa sự tụ tập và nguy cơ lây nhiễm khi dạy học trực tiếp.

Hà Nội mở cửa trường sau Tết Nguyên đán: Phụ huynh, giáo viên nói gì? - 2

Hiện một số trường ở Hà Nội đang chuẩn bị diễn tập và lên phương án đón học sinh trở lại trường an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cho biết, trường sẵn sàng mở cửa sau Tết Nguyên đán. Trường sẽ chia ca để giảm sự tập trung của học sinh, đồng thời khuyến khích phụ huynh tự đưa đón con, hạn chế đi phương tiện đưa đón của nhà trường. Trường làm vậy để đề phòng trường hợp nếu có F0 sẽ dễ khoanh vùng, nhanh chóng dập dịch để bảo vệ học sinh.

Theo cô Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), dù số ca bệnh tăng nhưng một số địa phương đã bắt đầu cho học sinh trở lại. "Giữ học sinh ở nhà có thể giúp các em an toàn. Nhưng đổi lại, các em phải đối diện với rất nhiều nguy cơ khác như sang chấn tâm lý, bị cản trở hòa hợp với thiên nhiên, cộng đồng, giao tiếp với xã hội và hổng, hụt về mặt kiến thức", cô nói và cho biết, nhà trường luôn trong trạng thái sẵn sàng đón học sinh trở lại.

Không phân biệt trẻ tiêm vaccine hay chưa

Để đảm bảo an toàn cho học sinh quay lại trường sau Tết Nguyên đán, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, Sở Y tế tổ chức diễn tập, đưa ra những kịch bản, tình huống khi có F0 tại các lớp, từ đó đưa ra phương án xử lý kịp thời nhất. Chỉ có F0 được cơ quan y tế đưa đi cách ly, còn F1 sẽ được cách ly tại nhà theo phương án chuẩn hiện nay.

Trước lo ngại của nhiều phụ huynh về việc học sinh chưa tiêm bị phân biệt đối xử khi đi học trực tiếp, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, sẽ không có sự phân biệt đối xử và đi học trực tiếp hay trực tuyến là tuỳ thuộc vào sự tự nguyện của phụ huynh học sinh. Các trường luôn đảm bảo học trực tiếp và trực tuyến.

Giám đốc Sở GD&ĐT cũng nhắn nhủ tới phụ huynh và học sinh: “Với cương vị là Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, chúng tôi rất muốn học sinh quay trở lại học trực tiếp. Chỉ có học trực tiếp thì khả năng truyền đạt và tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh là tốt nhất. Tôi mong rằng các em cùng thực hiện tốt khuyến cáo 5K. Mọi người hãy tin tưởng các ngành, các cấp luôn quan tâm tới học sinh, cố gắng dành những thứ tốt đẹp nhất cho các em”.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn