Bản chất kỳ thi không thay đổi
Trao đổi với VTC News, PGS.TS Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT đưa ra là tin tốt cho các trường đại học và các thí sinh, phù hợp với bối cảnh các nơi đang bị ảnh hưởng dịch bệnh. Việc giảm nhẹ khâu thi cử là điều rất mừng.
“Thực ra, bản chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT không thay đổi so với năm trước vì cơ bản các trường đại học vẫn có quyền sử dụng kết quả để tuyển sinh đầu vào một cách tự chủ, minh bạch. Các thí sinh vẫn đi thi tại địa phương như bình thường, không xáo trộn”.
Về văn bản, đây là chỉ phương án đổi tên từ “kỳ thi THPT quốc gia” sang “kỳ thi tốt nghiệp THPT” để minh bạch, rõ ràng, đỡ nhầm lẫn là kỳ thi “2 chung” như hiện nay nhiều người đang chưa hiểu rõ bản chất.
Trước lo ngại sợ rằng kỳ thi sẽ gây áp lực thêm cho thí sinh, các em sẽ phải thi nhiều trường cùng một lúc, ông Triệu cho rằng đó là cách hiểu chưa đúng về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. “Phương án đâu có nói đến việc cấm các trường đại học xét tuyển bằng kết quả này đâu mà thí sinh vội lo lắng”.
Vụ này cũng cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ tổ chức các kỳ thi riêng từ vài năm trở lại đây, không phải bây giờ chúng ta mới bàn tới. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch như năm nay, các trường phải đặc biệt cân nhắc về hiệu quả, lợi ích chung, liệu tổ chức thi riêng có thật sự cần thiết và phù hợp với học sinh và với các trường không.
Những trường chưa có kinh nghiệm và chưa có sự chuẩn bị về phương án thi thì vẫn giữ nguyên kế hoạch lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đầu vào, chất lượng vẫn được Bộ GD&ĐT đảm bảo. Vì vậy, thí sinh hoàn toàn yên tâm trước phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Việc của các em là ôn thi thật tốt và đặt mục tiêu vào các trường đại học như mong muốn.
Nên gắn trách nhiệm cho địa phương
Ông Bùi Đức Triệu cho rằng, các trường đại học hoàn toàn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học. Vì kết quả điểm thi của thí sinh cùng chung một mặt bằng, chung đề, do Bộ GD&ĐT chấm thi, hoàn toàn đảm bảo chất lượng và công bằng. Có thể các trường đại học tổ chức thi riêng không giải quyết được nhiều vấn đề.
Chỉ khi nào không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vì dịch COVID-19 hoặc mỗi tỉnh một đề khác nhau thì các trường đại học mới tính đến phương án tổ chức kỳ thi riêng. Việc tổ chức một kỳ thi riêng không phải chuyện đơn giản nói là làm được ngay, cần rất nhiều sự chuẩn bị.
Sau 4 năm tổ chức thi THPT quốc gia với hàng loạt sự cố gian lận bị phát giác tại địa phương, thì phương án thi tốt nghiệp THPT gắn trách nhiệm cho UBND tỉnh là điều nên làm. “Tôi tin sẽ có một kỳ thi công bằng, minh bạch và không có sai phạm. Bộ GD&ĐT cần công bố sớm phương án cụ thể để phụ huynh, thí sinh, giáo viên hiểu rõ, yên tâm về kỳ thi”, ông Triệu nói.
Trưởng phòng Đào tạo thông tin, dự kiến hôm nay, Đại học Kinh tế quốc dân sẽ họp Hội đồng tuyển sinh để có những hướng điều chỉnh phương án xét tuyển trong năm 2020 phù hợp. Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra như phương án của Bộ GD&ĐT thì trường sẽ không tổ chức thi riêng, giữ ổn định như các năm trước, thí sinh hoàn toàn yên tâm.
Đúng theo Luật Giáo dục quy định
Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ GD&ĐT về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 ngày 21/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên kỳ thi năm nay phải tổ chức lùi lại sau ngày 1/7, cũng là thời điểm Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. Vì vậy, kỳ thi phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tại buổi họp, các đại biểu thống nhất trong phương án thi tốt nghiệp sẽ giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức kỳ thi. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong từng mắt xích của quy trình tổ chức thi (quản lý đề, in sao đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả…); việc tổ chức coi thi do địa phương quyết định, có đảo giáo viên coi thi giữa các trường trong tỉnh.
Hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, in sao đề thi. Trong những ngày thi thực hiện quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi. Sau khi thi kết thúc, Hội đồng thi quản lý bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả thi.
Để bảo đảm kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, chất lượng, bên cạnh các giải pháp hành chính, về mặt kỹ thuật, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các môn thi trắc nghiệm nhằm giảm thiểu tác động của con người trong quá trình thi cử. Các môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình giám sát chặt chẽ (bản chất là chấm tập trung trong toàn quốc). Các địa phương tổ chức chấm bài thi tự luận như những năm trước.
Sau khi có kết quả thi, Bộ GD&ĐT sẽ phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát.
Video: Kỳ thi THPT năm 2020 chỉ để xét tốt nghiệp
Bình luận