Vào cuối mỗi kỳ học, sinh viên sẽ được nhà trường xếp loại học lực theo điểm trung bình các môn học, được tính theo thang điểm 4 hoặc thang điểm 10.
Xếp loại học lực cuối kỳ dành cho sinh viên
Theo Quy chế đào tạo trình độ đại học, sinh viên xếp loại học lực cuối học kỳ theo thang điểm 4 có 6 mức khác nhau. Cụ thể, sinh viên đạt điểm trung bình học tập từ 3.6 đến 4.0 xếp loại xuất sắc; từ 3.2 đến cận 3.6 xếp loại giỏi; từ 2.5 đến cận 3.2 thuộc mức khá; từ 2.0 đến cận 2.5 rơi vào mức trung bình; từ 1.0 đến cận 2.0 xếp loại yếu; dưới 1.0 xếp loại học lực kém.
Trong trường hợp, nhà trường xếp loại học lực theo thang điểm 10 thì mức điểm quy định xếp loại như sau: từ 9,0 đến 10,0 xếp loại xuất sắc; từ 8,0 đến cận 9,0 học lực giỏi; từ 7,0 đến cận 8,0 thuộc loại khá; từ 5,0 đến cận 7,0 xếp loại trung bình; từ 4,0 đến cận 5,0 học lực yếu; dưới 4,0 xếp loại học lực kém.
Sinh viên còn được xếp trình độ năm học căn cứ vào số tín chỉ tích lũy từ đầu khóa học (gọi tắt là N) và số tín chỉ trung bình năm học theo kế hoạch học tập chuẩn (gọi tắt là M). Cụ thể, trình độ năm thứ nhất cần đáp ứng N < M, trình độ năm thứ hai M ≤ N < 2M, trình độ năm thứ ba yêu cầu 2M ≤ N < 3M, trình độ năm thứ tư 3M ≤ N < 4M và trình độ năm thứ năm đáp ứng 4M ≤ N < 5M.
Trên đây quy định cụ thể về cách xếp loại học lực cuối kỳ cho sinh viên theo thang điểm 4 và thang điểm 10. Ngoài ra, sinh viên còn được xếp học lực căn cứ vào số tín chỉ tích lũy từ đầu khóa học và số tín chỉ trung bình một năm học theo kế hoạch học tập chuẩn.
Một học kỳ sinh viên cần học bao nhiêu tín chỉ?
Trước khi bước vào học kỳ mới, các trường đại học đều hướng dẫn sinh viên đăng ký học tập trên hệ thống đăng ký học tập của trường. Sinh viên học theo tín chỉ phải đăng ký lớp học phần dự định học trong học kỳ, gồm học phần mới, một số học phần chưa đạt (để học lại) và một số học phần đã đạt (để cải thiện điểm, nếu có) căn cứ danh sách học phần được mở và điều kiện đăng ký của mỗi học phần.
Quy chế của cơ sở đào tạo quy định khối lượng tối thiểu số tín chỉ đăng ký không ít hơn 2/3 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn. Đồng thời, khối lượng tối đa không vượt quá 3/2 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn.
Như vậy, đối chiếu quy định trên thì có thể thấy rằng sinh viên đại học được đăng ký tín chỉ trong mỗi học kỳ tối đa không vượt quá 3/2 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn. Tức là sinh viên được đăng ký khoảng 10 - 30 tín chỉ/học kỳ.
Đồng thời, một tín chỉ sẽ tương đương với 15 tiết học lý thuyết, 30 tiết thực hành và thí nghiệm hoặc là thảo luận, 60 giờ thực tập tại các cơ sở hoặc 45 giờ sinh viên làm tiểu luận, làm bài tập lớn, đồ án hay khoá luận tốt nghiệp.
Bình luận